- Sau các bài viết về những "đại gia sinh viên" với thu nhập ngàn đô mỗi tháng, nhiều bạn đọc và cả những doanh nhân đang miệt mài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục bày tỏ sự khuyến khích không chỉ các bạn trẻ mà cả xã hội đầu tư vào giáo dục.

Đã từng đi thi, biết nỗi khổ của các gia đình nên nhóm gia sư thủ khoa do một sinh viên năm 2 ĐH Ngoại thương tổ chức, đã cam kết nếu HS đỗ mới thu toàn bộ học phí. Đầu tư cho con vào đại học là khoản đầu tư lớn với nhiều gia đình nông dân Việt Nam.Trong ảnh: Phụ huynh ngóng con thi đại học. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hoài nghi và hy vọng


“Việc các em làm dù có là vì đồng tiền đi chăng nữa thì cũng rất đáng quí vì đó là chất xám, là tài nguyên không bị lãng phí. Nếu như nhà nước có chính sách thu hút người tài như các em vào ngành sư phạm thì còn nhiều học sinh khác được hưởng lợi về kiến thức từ các em”.


Chia sẻ của độc giả
Thuấn Nguyễn sau bài viết “Chàng SV thu nhập ngàn đô từ dạy thêm” cũng là một trong phần đông những ý kiến, tâm sự bạn đọc sau những bài viết về các bạn sinh viên 8X đời cuối sớm khởi nghiệp và có thành công nhất định trong lĩnh vực mình đã lựa chọn.

Bạn có tên
Nguyễn Đức Dũng cũng như một số bạn gửi ý kiến băn khoăn về VietNamNet sau bài “8X 'đời chót' thu nhập hơn 4.000 đô/ tháng:

“Bạn Dũng không phải là mẫu mà người Việt Nam noi theo, cái bạn theo đuổi là nuôi dưỡng ý tưởng, và kinh doanh trên sự đam mê của người khác.


Nói đúng hơn, bạn là một thuyết khách chứ không phải người có ích cho xã hội, vì mục tiêu của bạn thật mờ nhạt, không có đối tượng, không có con đường, tất cả chỉ dành cho bản thân bạn. Mình tán thành bạn làm giàu, nhưng nếu có đam mê và sức lực thật sự, hãy theo đuổi "thay đổi tư duy Việt Nam" một cách nghiêm túc”.

Cùng chung suy nghĩ trên, bạn đọc
Huỳnh Đặng cho rằng: “Kỹ năng mềm cũng là những cái tích lũy được trong quá trình học tập và làm việc, chứ không phải những lời nói ngọt ra từ miệng người khác.

4000 đô một tháng, điều đó thật đáng mơ ước đối với lớp trẻ tụi mình, nhưng mình cảm giác rằng học cách cảnh giác với những điều thế này cũng đã là một phần của kỹ năng mềm.


Mình từng suýt bị thuyết phục bởi những người bạn đa cấp (may mà lúc đó không đủ tiền),  bị một người lạ bắt chuyện và không dưới 5 lần thuyết phục mình đi học khóa kỹ năng mềm ở Sài Gòn (mình từ chối nhưng lâu lâu vẫn bị bám). Hãy cẩn trọng với những lời ngon ngọt bạn nghe được từ ai đó!”


Song nổi bật hơn cả vẫn là những động viên, khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm.


Tiếp tục trong chia sẻ của mình, bạn đọc Thuấn Nguyễn hy vọng ở những người trẻ như Đào Đức Dũng: “Chỉ tiếc rằng cuộc sống của giáo viên nhìn chung là tụt hậu so với nhiều ngành nghề khác nên giáo dục không còn là sự lựa chọn của người có khả năng.


Anh mong rằng các em sẽ mở được trung tâm luyện thi để phục vụ nhu cầu chính đáng của xã hội (chứ mở trường thì hơi khó vì các em có giỏi mà không có chứng chỉ sư phạm cũng không được đứng lớp)”.


Thông tin về nhóm bạn thực hiện hình thức “gia sư cao cấp” trong bài viết “Chàng SV thu nhập ngàn đô từ dạy thêm” được nhiều phụ huynh, độc giả quan tâm và mong có được địa chỉ, liên lạc để gửi con em theo ôn học cho những ngày thi cử sắp tới.


Sau bài viết
“Thu nhập khủng' của cô nàng 8x đời cuối”, bạn đọc Mr.Minh bộc bạch nỗi niềm: “Tuồi trẻ như em chưa ai làm được điều như em. Mà tuổi trẻ chi biết ăn bám vào gia đình, ỷ thế gia đình có chút tiền lên mặc và coi thường người khác. Chúc em thành đạt trên con đường em đi”.

Bạn đọc tên
Hương khâm phục: "Cùng sinh năm 88, cùng học Ngoại thương ra, vậy mà mình lại luôn nghĩ tiêu cực. Sau khi đọc bài viết này mới hiểu được rằng mình thật lãng phí thời gian và không tiếp tục học tập và phấn đấu. Chúc bạn tiếp tục thành công trên con đường kinh doanh của mình”.

‘Đường trường ai có qua cầu mới hay’


Một doanh nhân '8X đời đầu', từng thành công sớm với chương trình khởi nghiệp và nay đang miệt mài ở trời Tây du học để nạp thêm kiến thức cho lĩnh vực kinh doanh của mình chia sẻ: Anh đồng cảm với cách tiếp cận về phương pháp và con đường tới thành công trong các câu chuyện của chàng gia sư dạy Toán bằng tiếng Anh và cô nàng đa di năng Mai Phương. Còn câu chuyện của nhân vật thu nhập 4.000 USD/tháng có hai cách hiểu, có thể là thu nhập "đỉnh cao" và điều này không đơn giản để có được.


Anh cũng lưu ý, còn quá trẻ để nêu bật những thành tựu ở lứa tuổi sinh viên này. Nó đưa đến một câu hỏi khác, về lương tâm dẫn đến các bạn trẻ ham mê khẳng định "đẳng cấp trong thu nhập". Trong khi đó, nhiệm vụ tích lũy kinh nghiệm, chiến thuật, chiến lược với sự nghiệp của mình mới là đường đi bền vững.


Khi làm giáo dục, cần thuyết phục người học bằng kiến thức thật sự chứ không chỉ bằng lời nói, và muốn thuyết phục người khác, phải luôn “học” để có kiến thức rộng và sâu hơn.
Một yếu tố rất quan trọng khi làm giáo dục đó là phải thật sự có “tâm”, tức là không cung cấp sản phẩm hay dịch vụ bằng mọi giá.

Từng tham gia cung ứng dịch vụ đào tạo nhiều năm ở Hà Nội và nay là lĩnh vực ngoại ngữ, anh Phùng Văn Trung, Giám đốc điều hành Trung tâm Anh ngữ OEA (Hà Nội) khá ấn tượng vì sự năng động khi các bạn sinh viên nhìn ra “thị trường riêng” cho “sản phẩm” của mình, bản lĩnh “dám nghĩ dám làm” hay trong kinh doanh còn gọi là “chấp nhận rủi ro”.

“Tôi lại nghĩ tới một câu nói của một giáo sư trường ĐH nước ngoài nói “thầy thấy sự khác biệt giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên ở Mỹ đó chính là entrepreneurship””, anh Trung chia sẻ bài học này.


Thoạt nghe thầy nói từ “entrepreneurship”, anh cũng chưa biết phải hiểu và dịch thế nào cho chuẩn nhất sang tiếng Việt, sau đó thì tự hiểu đó là “tinh thần tự doanh”:

Ngay khi ngồi trên ghế giảng đường, các bạn sinh viên Mỹ thường có kế hoạch kinh doanh cho riêng mình và mong muốn sẽ làm cái gì đó là của riêng mình. Họ muốn xây dựng một sự nghiệp cho riêng mình chứ không chỉ đơn thuần là tìm một công việc sau khi tốt nghiệp. Điều khác biệt đối với các bạn sinh viên Việt Nam đó là sau khi tốt nghiệp các bạn thường chỉ tập trung vào việc là làm sao tìm một chỗ làm thật ổn định và chấp nhận với công việc đó theo thời gian.

"Nói như vậy, không có nghĩa là cứ đi làm thuê là không tốt. Cũng rất tốt nếu các bạn có thể đi làm thuê để tích lũy kinh nghiệm ở lĩnh vực mình học ở trường một vài năm và sau đó có thể tự nhìn nhận khả năng bản thân và định hướng cho mình khi quyết định khởi nghiệp” - anh Trung phân tích.


"Tôi rất vui và khuyến khích không chỉ các bạn trẻ mà cả xã hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, nếu muốn làm về giáo dục, các bạn cần phải thật sự “đầu tư” vào kiến thức chuyên môn và không ngừng “học”. Bởi lẽ, khi làm giáo dục, cần thuyết phục người học bằng kiến thức thật sự chứ không chỉ bằng lời nói, và muốn thuyết phục người khác chúng ta phải luôn “học” để có kiến thức rộng và sâu hơn.
Một yếu tố rất quan trọng khi làm giáo dục đó là bạn phải thật sự có “tâm”, tức là không cung cấp sản phẩm hay dịch vụ bằng mọi giá', anh Trung kết luận.

  • Văn Chung – Phạm Thi