Ngày càng có nhiều nữ sinh viên chấp nhận làm gái bao cho những người đàn ông giàu có, đáng tuổi cha chú nhưng bù lại sẵn sàng chi trả cho việc học cũng như cuộc sống nhung lụa của họ.

Trên trang mạng hẹn hò lớn nhất Trung Quốc Jiayuan, có thể dễ dàng nhận thấy hàng triệu nữ sinh đang ra sức “tiếp thị” bản thân với đối tượng “khách hàng mục tiêu”.

Trong khoảng 25 triệu thành viên của trang web này, một số lượng không nhỏ các cô gái công khai tìm kiếm người yêu “bốn có”. Ứng cử viên phải: có công việc danh giá, có nhà, có xe hơi và có mức lương cao.

Zhang Yan- nữ sinh cao đẳng Y Guiyang, đã rao món tiền “thách cưới” 200.000NDT (30.000 USD). Cô nói, “dù người đàn ông đó có thế nào đi chăng nữa, chỉ cần cho tôi khoản tiền đó thì tôi sẽ cưới liền”.

Một đài truyền hình địa phương đã quay được cảnh cô chấp nhận số tiền 30.000 USD của người đàn ông trẻ. Điều đáng nói ở đây là, thậm chí ngay mẹ cô gái cũng đồng ý cuộc hôn nhân này.

Người đàn ông 54 tuổi tên Wang đã “bao” một em sinh viên 24 tuổi mới tốt nghiệp. Tiêu chuẩn của em ấy “đơn giản” chỉ là “một người đàn ông có nhà ở Thượng Hải và 1 triệu NDT trong tài khoản ngân hàng”.

Nhưng ‘cuộc tình’ này có vẻ cũng…chóng vánh, tờ The Australian thông tin. Họ gặp nhau trong một quán cà phê, sau đó quan hệ trong vài tháng. Đến khi em sinh viên trẻ này “bắt được mối mới” là một người đàn ông gốc Trung sinh ra ở Mỹ, tuy già hơn ông Wang những 6 tuổi nhưng hứa hẹn sẽ cho đưa em bay sang với đất nước của Nữ Thần Tự Do.

Chả mất nhiều thời gian tìm kiếm, ông Wang hiện đang cặp với một em sinh viên khác học chuyên ngành khoa học, đến Thượng Hải với bạn cùng lớp.

Cô bạn cùng lớp này đến đây để gặp một anh chàng 28 tuổi, là sinh viên đã ra trường. Nhưng cô đá anh ngay từ lần gặp đầu tiên, do phát hiện anh ta chỉ thuê một ngôi nhà nhỏ của một bác nông dân. “Tôi không thể yêu một người đàn ông không có nhà cửa, dù anh ta có trẻ và đẹp trai thật đấy”, cô than vãn.

Không chỉ phái yếu mà một bộ phận nam giới cũng ủng hộ cách sống “thương mại hóa tình yêu” này. Xiao Louming- một sinh viên ở Hàng Châu nói với phóng viên: “Nếu gia đình nào cho tôi 10 triệu NDT thì tôi sẵn sàng cưới người phụ nữ hơn tôi hàng chục tuổi”.

Các phương tiện truyền thông mới đây đã phải cầu viện đến các chuyên gia sức khỏe tinh thần nhằm tìm ra lời giải cho xu hướng trên. Một giảng viên ở Thượng Hải nói với People's Daily rằng: “Tôi nghĩ chúng ta không thể nói rằng, sự xói mòn đạo đức là nguyên nhân duy nhất khiến giới trẻ phải bán mình. Một hiện thực phũ phàng là sau khi tốt nghiệp, rất nhiều phụ nữ phải đánh đổi tình dục để có được công việc và chỗ ở trong một thế giới đầy cạnh tranh hiện tại”.

Với sự lan rộng của trào lưu làm xói mòn nhân phẩm này, ngày càng có nhiều ý kiến chỉ trích gay gắt hơn: “Thậm chí một số nữ sinh còn cạnh tranh nhau khi những “ông bố lắm tiền” đến đón họ đi hưởng thụ những cuối tuần thác loạn”, theo bình luận trên tờ China Daily.

Có lẽ đây là lý do chính khiến giới chức liên quan phải có một hành động tức thời là tổ chức khóa đào tạo giúp nữ sinh tránh “bẫy tình” của các đại gia.

Theo China Youth Daily, có tới 60% nữ sinh cho biết mẫu người đàn ông lý tưởng của họ là phải mạnh mẽ và giàu có. Chiếm phần đông trong số này là thế hệ 8X đổ lại. Để ngăn chặn những quan điểm lệch lạc sai lầm là phải có chồng đại gia, hiện nữ sinh ở phía nam tỉnh Quảng Đông đang được dạy khóa học này.

“Khoá đào tạo sẽ tập trung vào việc dạy các em về lòng tự trọng, sự tự tin, tự chủ. Chúng tôi hy vọng sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm từ chương trình thí điểm này, sau đó sẽ nhân rộng ra trong cả nước" - ông Lei Yulan, Giám đốc Uỷ ban Công tác về phụ nữ và trẻ em tỉnh Quảng Đông cho biết. Dự thảo kế hoạch phát triển cho phụ nữ và trẻ em của tỉnh sẽ thảo luận và tìm cách giải quyết vấn đề.

  • Lơ Nguyễn