![]() |
Cụ thể, giá trị vốn hóa thị trường của China Mobile đạt mức 225,3 tỷ USD vào cuối tuần vừa qua, gần gấp đôi so với hãng NTT Docomo của Nhật Bản, đối thủ gần nhất của China Mobile. Giá trị vốn hóa thị trường của China Mobile đã tăng trưởng 4% kể từ 6/4/2012 – trước khi 4G bắt đầu phổ biến tại Trung Quốc. Trong khi đó, giá trị vốn hóa thị trường của China Telecom giảm 7%, còn China United Network Communications, hay China Unicom, lại giảm 16%.
China Mobile đã đạt mức tăng trưởng rất tốt. Công ty báo cáo lợi nhuận ròng đạt 15,7 tỷ USD năm 2016, gần gấp 6 lần so với lợi nhuận của hai hãng viễn thông còn lại của Trung Quốc cộng lại.
Theo báo Nhật Bản Nikkei, bằng cách dẫn đầu trong thiết lập mạng lưới 4G và giúp khách hàng nâng cấp smartphone, China Mobile đã bỏ xa đối thủ cạnh tranh. Một mối hợp tác công-tư (PPP) đã phát triển nên bộ tiêu chuẩn 4G tại Trung Quốc. China Mobile đã áp dụng các tiêu chuẩn đó và được chính phủ thông qua, chính thức ra mắt dịch vụ 4G vào cuối năm 2013.
Trong khi đó, China Telecom và China Unicom lại áp dụng các tiêu chuẩn khác. Do chậm chân hơn trong việc được chính phủ cấp phép 4G, bộ đôi nhà viễn thông này đã chậm trễ thiết lập các trạm BTS. Cuối năm ngoái, Chine Mobile đã có 535 triệu thuê bao 4G, gấp 2,4 lần so với cả hai đối thủ cộng lại.
Việc China Mobile dẫn đầu trong thiết lập các trạm BTS 4G cũng phản ánh sự dẫn đầu của China Mobile trong về doanh thu lẫn giá cổ phiếu. Hai đối thủ cạnh tranh chật vật, China Mobile lại đang hưởng lợi từ các khoản đầu tư. China Mobile giành được những người dùng điện thoại truyền thống nhờ cung cấp smartphone giá rẻ trên thị trường. Công ty cũng là nhà mạng đầu tiên bán thiết bị Apple tương thích 4G tại Trung Quốc, và đang nhắm tới thị trường 5G khi công nghệ này được thương mại hóa vào khoảng năm 2020.
Để tăng trưởng doanh thu, China Telecom cung cấp các dịch vụ dữ liệu qua mạng lưới cố định. Còn Chine Unicom lại dựa vào mối hợp tác với các nhà bán lẻ online.
5 năm qua, nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Đông Nam Á cũng tăng trưởng giá trị vốn hóa thị trường tốt. Singapore Telecommunications, còn gọi là Singtel, đã tăng 15% giá trị thị trường lên 45,1 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nhà cung cấp viễn thông châu Á, ngoại trừ các hãng Nhật Bản.
![]() |
Một nhà phân tích ở Singapore cho hay, các nhà đầu tư “rất tin tưởng chiến lược đầu tư nước ngoài mạnh bạo” của nhà mạng. Do thị trường trong nước nhỏ bé, Singtel đã thiết lập mạng lưới tại các nước đang phát triển ở châu Á. Công ty chi gần 2 tỷ USD trong mùa hè năm ngoái để mua cổ phần trong các hãng di động Ấn Độ và Thái Lan. Singtel cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác, ký hợp đồng 810 triệu USD để thâu tóm hãng bảo mật mạng Mỹ Trustwave năm 2015.
Mặc dù Ấn Độ có dân số lớn thứ 2 thế giới, những các nhà mạng Ấn Độ lại có giá trị thị trường sụt giảm trong 5 năm qua. Giá trị của Bharti Airtel, nhà mạng lớn nhất Ấn Độ, giảm 13% xuống còn 21,4 tỷ USD. Cạnh tranh giá là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các hãng viễn thông Ấn Độ sụt giảm.
Tuy nhiên, thị trường viễn thông Ấn Độ đang có nhiều chuyển biến gần đây. Bharti Airtel hồi tháng Hai vừa tuyên bố mua lại cổ phần hoạt động tại Ấn Độ của nhà mạng Telenor của Na Uy.