Ngày 25/3, truyền thông Việt Nam và quốc tế đã trích thuật lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị: “Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin”. Bộ Ngoại giao Việt Nam tố cáo hành động này của Trung Quốc “là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam”.
Lời nói hòa bình, việc làm vô nhân đạo
Hành động thì như thế nhưng ngoài mặt, các nhà lãnh đạo mới của đảng/nhà nước Trung Quốc vẫn không ngớt rao giảng về hòa bình và hợp tác quốc tế.
Lãnh đạo Trung Quốc mới phát biểu: “Cùng với sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc không ngừng tăng cường, Trung Quốc sẽ gánh vác càng nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế theo khả năng mình, đóng góp to lớn hơn cho hòa bình và phát triển của nhân loại, Trung Quốc kiên định bất di bất dịch đi con đường phát triển hòa bình”. Trước đó, vào ngày 17/3, tân Thủ tướng cũng cam kết sẽ giữ vững hòa bình và sự ổn định tại Á Châu và Thái Bình Dương: “Một Trung Quốc hùng mạnh sẽ không theo đuổi bá quyền”.
![]() |
Tàu của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắn cháy nóc cabin. Ảnh: Tiền Phong |
Lãnh đạo Trung Quốc nói vậy nhưng rõ ràng trên thực tế đã không hành động như vậy! Kể từ khi tái lập quan hệ ngọai giao giữa hai nước năm 1991, chưa bao giờ an ninh và chủ quyền Biển Đông của Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng như mấy tháng gần đây.
Ngày 20/3 không phải là lần đầu tiên, các tàu cá trong tay không tấc sắt của ngư dân Việt Nam hoạt động tại ngư trường truyền thống xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị các tàu vũ trang của Trung Quốc tấn công. Đã có tới cả trăm trường hợp tàu cá Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ, đánh đập, tịch thu ngư cụ và đòi tiền chuộc.
Nhưng tuyên bố ngày 26/3 của Bắc Kinh đáng bị phê phán mạnh mẽ vì đó là một bước leo thang nguy hiểm!
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bộc lộ một thái độ nước đôi khi tuyên bố không úp mở: Trung Quốc đã có hành động hợp pháp và thỏa đáng khi nhằm vào tàu cá Việt Nam!
Nguyên văn lời của Hồng Lỗi trả lời phóng viên quốc tế tại Bắc Kinh: “Phản ứng của cơ quan chức năng của Trung Quốc trước một tàu cá bất hợp pháp của Việt Nam là đúng đắn và hợp lý”, vì theo nhân vật này “quần đảo Tây Sa (tên Trung Quốc đặt cho vùng Hoàng Sa mà họ chiếm từ tay Việt Nam từ năm 1974) là bộ phận không thể tách rời khỏi lãnh thố Trung Quốc".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lên giọng: “Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam tiến hành các bước nghiêm túc nhằm cải thiện việc giáo dục và quản lý ngư dân để tránh các hoạt động trái phép như vậy”. Khi bị phóng viên quốc tế truy vấn liệu trên thực tế Trung Quốc có bắn vào tàu cá của ngư dân Việt Nam, ông Hồng Lỗi từ chối xác nhận là tàu Trung Quốc đã nổ súng vào một tàu cá của Việt Nam và buộc phải nói tránh đi là “chiếc tàu cá Việt Nam không hề bị thiệt hại vào lúc đó”. Thật là phi logic hết chỗ nói! Chối tội không bắn, nhưng lại xác nhận là tàu cá Việt Nam lúc ấy không bị thiệt hại gì (!)
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc chối tội, ngày 27/3, theo Tân Hoa Xã, một sĩ quan Hải quân nước này đã công nhận là tàu của Trung Quốc có bắn pháo sáng về hướng của tàu đánh cá Việt Nam nhưng hai quả này đã tắt ngay khi còn ở trên không. Đối với viên chức này, không hề có việc tàu Trung Quốc đã nổ súng vào tàu Việt Nam, hay là các chiếc tàu cá Việt Nam bị cháy. Cách giải thích của quan chức Hải quân được bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu bật vào hôm 27/3 là một cố gắng “dấu đầu hở đuôi” để chạy tội và giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của “hành động hải tặc” mà Bắc Kinh đã gây ra cho ngư dân Việt Nam.
Mỹ là nước có phản ứng đầu tiên
Người phát ngôn BNG khẳng định các hành động nói trên của Trung Quốc “đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Ông Nghị nói: “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam”. Ngày 25/3, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc.
Ngày 26/3, một ngày sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có phản ứng đầu tiên về vụ Trung Quốc bắn tàu cá Việt Nam trong khu vực Hoàng Sa trên Biển Đông.
![]() |
Ảnh VnExpres. |
Phát biểu trước các phóng viên, ông Patrick Ventrell, phó phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng nước này quan ngại khi nghe tin về vụ việc và rằng Washington đang tìm hiểu thêm thông tin từ cả hai phía Bắc Kinh và Hà Nội. “Chúng tôi cực lực phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay cưỡng ép của bất cứ bên nào để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Hoa Nam,” ông Ventrell nói. Ông bình luận rằng vụ việc này cho thấy rất cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử để xử lý các tranh chấp một cách minh bạch và có nguyên tắc (COC).
Quan chức ngoại giao Mỹ nói trên đã nhắc lại rằng trong tư cách một quốc gia Thái Bình Dương, “Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm việc tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền tự do hàng hải và thương mại hợp pháp mà không bị cản trở ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông)”. Do vậy, theo ông Ventrell, Hoa Kỳ “phản đối các hành động đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hay biện pháp thúc ép từ bất kỳ bên tranh chấp nào để thúc đẩy các yêu sách của mình ở Biển Đông”.
- Hải Đăng