![]() |
Sóng di động đã nối đảo với đất liền. |
Tàu HQ 996 xuất phát từ Khánh Hòa vào buổi chiều biển lặng cuối tháng 3/2009. Chuyến thăm Trường Sa lần này ngoài Bộ Quốc phòng còn có đại diện của Bộ TT&TT do Thứ trưởng Trần Đức Lai dẫn đầu, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và một số cơ quan thông tấn báo chí.
Thị trấn giữa biển khơi
Sau hai ngày trên biển, chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về một phần máu thịt của Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió là hình ảnh đầy thơ mộng với rất nhiều cây xanh và thấp thoáng những cánh quạt năng lượng gió như những thị trấn trong mơ…
![]() |
Thứ trưởng Trần Đức Lai thăm UBND thị trấn Trường Sa. |
Sau buổi gặp gỡ các chiến sĩ trên đảo, Thứ trưởng Trần Đức Lai đã đi thăm và tặng quà cho ngư dân trên đảo Trường Sa Lớn. Cuộc sống trên đảo Trường Sa hôm nay đã được "thay áo mới". Những dãy nhà dân trên đảo được xây dựng và thiết kế rất đẹp, nằm cạnh UBND thị trấn Trường Sa, sát bờ biển. Mỗi căn hộ có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp ăn và vườn rau để tăng gia và nuôi gà vịt. Chúng tôi đến thăm nhà gia đình anh Nguyễn Bình Phương và chị Trương Thị Quyên, một hộ ngư dân trên đảo Trường Sa Lớn. Anh Phương vui mừng cho biết: “Đời sống của gia đình và các hộ dân trên đảo rất tốt. Chúng tôi đã trồng được rau, nuôi gà vịt và bây giờ có cả tivi và điện thoại di động để liên lạc với đất liền nên đời sống gia đình rất thoải mái. Thậm chí nhiều hộ trên đất liền mơ cũng không được”.
Riêng gia đình anh Đặng Thanh Chương, ngoài chiếc điện thoại di động, anh còn nhờ người thân trong đất liền gửi ra cho chiếc điện thoại HomePhone của Viettel. Nhờ phương tiện thông tin liên lạc này mà nỗi nhớ đất liền và gia đình của anh bớt nguôi ngoai. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung và chị Lương Thị Tình bộc bạch: “Qua chiếc điện thoại di động, tuy người ở xa nhưng nghe thì thấy gần lắm. Cuộc sống trên đảo rất tốt, con cái chúng tôi đều được học hành, điều kiện sinh hoạt tương đối đầy đủ. Nhưng nếu Bộ TT&&TT xem xét hỗ trợ thêm điện thoại cố định để liên lạc thì chúng tôi mừng lắm".
Còn hộ gia đình anh Nguyễn Đăng Thi vui vẻ khoe với chúng tôi, thị trấn Trường Sa là thị trấn duy nhất tại Việt Nam không có tai nạn giao thông bởi ở đây chỉ có phương tiện đi lại duy nhất là đi bộ. Những người dân sống trên đảo với nhau và với các chiến sỹ trên đảo thân tình như người nhà. Gia đình nào đi đánh được cá thì đều chia cho các gia đình khác và bộ đội cùng ăn. Thậm chí trồng được nhiều rau họ cũng đem chia cho các chiến sĩ.
![]() |
Trồng rau xanh làm thực phẩm ngay trên đảo. |
Anh Thi cho biết, 100% thanh niên của các hộ dân trên đảo đều tham gia dân quân tự vệ, sẵn sàng chắc tay súng sát cánh cùng các chiến sỹ trên đảo bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc. Còn các phụ nữ trên đảo vào ngày cuối tuần lại tụ tập với nhau nấu những món ăn chung từ chính những sản phẩm mà họ nuôi trồng được hay từ nguồn đánh bắt hải sản...
Cuộc sống thường ngày nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc trôi đi bình yên và những người dân nơi đây ngày càng gắn bó với đảo xa.
Lính đảo thời Mobile vẫn ngóng thư nhà
![]() |
Những người lính trẻ vẫn cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. |
Theo hải trình đặt ra, đoàn chúng tôi đi thăm 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Việc di chuyển từ tàu lên đảo không phải là chuyện dễ dàng, mỗi khi sóng to gió lớn tàu và xuồng không thể cập bờ. Một đồng nghiệp của chúng tôi đã ví chuyến xuồng vào đảo An Bang như “hạt thóc trong chiếc cối xay sóng”. Vì vậy, khi xuống xuồng cả đoàn chúng tôi đều gói đồ cẩn thận trong chiếc túi ni lông và mặc áo phao đề phòng bất trắc. Chúng tôi không khỏi xúc động khi được những chiến sỹ tại các đảo chìm như Đá Tây, Tiên Nữ… ngâm mình trong nước biển đẩy thuyền qua đợt sóng dữ trên những rặng san hô đưa chúng tôi vào thăm đảo.
Tại đảo Trường Sa Đông, chúng tôi gặp Trung úy Lê Bá Sáu, quê Thanh Hóa. 14 năm trong quân ngũ Lê Bá Sáu đã có thâm niên 9 năm ở đảo, đã từng kinh qua các đảo Song Tử, Sơn Ca, Phan Vinh, Nam Yết, An Bang và bây giờ là Trường Sa Đông. “Cuối năm ngoái em ra đảo thì vợ ở nhà sinh con trai đầu lòng đặt tên là Lê Bá Hoàng Hải. Nhưng đã hơn một năm làm nhiệm vụ trên đảo nên em chưa biết mặt con. Người lính đảo là vậy đấy anh à, phải làm trọn sứ mệnh của người cầm súng nơi biên cương rồi mới đến gia đình.
Cũng may giờ trên đảo đã có điện thoại liên lạc với đất liền nên nỗi nhớ gia đình bớt phần da diết. Nhưng có điện thoại rồi chúng em vẫn chờ những là thư từ đất liền gửi ra bởi ở đó bao tình cảm được gửi trong tưng lá thư nét chữ mà điện thoại di động không thay thế được”, Sáu bộc bạch. Tuy đã có điện thoại di động, nhưng Thiếu úy Đoàn Quang Dũng, Đảo Trường Sa Đông vẫn thường xuyên viết thư cho người yêu và gia đình. “Khi nào rỗi, nhớ người yêu và gia đình là em lại viết thư. Viết xong rồi cất đi và phải đợi vài tháng mới có chuyến tàu ra mới gửi được. Mỗi chuyến tàu ra đảo là những người lính chúng em lại khấp khởi mong ngóng những cánh thư. Có những lá thư xem nhiều lần đến thuộc lời trong thư, nhưng mỗi lần đọc vẫn cảm giác bâng khuâng” Thiếu úy Đoàn Quang Dũng tâm sự. Lê Văn Sơn, Trợ lý công binh trên đảo Phan Vinh cho biết, chiếc di động và người lính đảo đã trở nên thân thiết bởi đó chính là cầu nối với đất liền, với những người thân nơi quê nhà, khiến Trường Sa không còn xa nữa.
Tiếp chuyện chúng tôi, Thượng tá Ngô Mai Thịnh, Bộ Tham mưu của Binh chủng Hải quân cho biết, cuộc sống trên đảo giờ đây đã được quan tâm cải thiện rất nhiều. Nước ngọt và rau xanh cũng đã được khắc phục tăng gia đủ dùng. Đời sống tinh thần của các chiến sỹ được thực sự đổi thay nhờ có sóng di động nên việc liên lạc với đất liền đã được nối liền. Vì vậy, những cánh thư từ đảo về đất liền và từ đất liền ra đảo không còn nhiều như trước, nhưng tâm lý người lính đảo thì vẫn ngóng những cánh thư từ đất liền.
Đời sống vật chất và tinh thần những người lính trên quần đảo Trường Sa đã được cải thiện rất nhiều. Hầu hết các đảo đều có điện và tivi để theo dõi tin tức hàng ngày. Nhưng mỗi chuyến tàu ra, cả đảo lại xôn xao hồi hộp chờ đón những món quà của đất liền và "đặc sản" quý giá về mặt tinh thần là các đoàn văn công. Trung úy Nguyễn Đình Hoán, đảo Phan Vinh cho biết, những chương trình ca nhạc qua tivi không thể thay thế được những đoàn văn công mỗi lần thăm đảo. Văn công đến biểu diễn cả đảo lại như ngày hội. Mong ngóng là thế nhưng những chiến sỹ trên đảo tuổi mười tám đôi mươi vẫn thẹn thùng không dám cầm tay những cô văn công trong điệu nhảy vui nhộn. Sau những buổi biểu diễn họ lại bịn rịn chia tay. Quà chiến sỹ Hải quân tặng cho đoàn văn công là những vỏ ốc biển, qua đó gửi gắm những tình cảm mộc mạc chân thành của người lính biển. Đi cùng chúng tôi trên chuyến tàu HQ 996 có Đoàn văn công Quân khu II. Dù say sóng ngay khi tàu bắt đầu rời đất liền, nhưng khi đặt trên lên đến đảo, các cô gái của đoàn văn công đã biểu diễn ngay, đàn hát say sưa cho các chiến sĩ như chưa hề bị say sóng.
Làm điểm tựa cho ngư dân
Một chuyện tình cờ khi chúng tôi đến đảo Đá Tây, 2 ngày trước đó các chiến sỹ trên đảo này đã cứu được 8 ngư dân tàu đánh cá BD 763 của ngư dân Nguyễn Văn Tố ở Bình Định gặp nạn. Theo lời kể của ông Tố vào lúc 3h sáng ngày 31/3/2009, tàu BD 763 đã bị sóng đánh va vào rặng san hô và chìm. Trong lúc thu dọn, chuẩn bị rời tàu ngư dân đã thấy chiếc điện thoại sử dụng mạng Viettel có vạch sóng. Như "chết đuối vớ được cọc" một mặt các ngư dân lập tức gọi điện về nhà thông báo cứu hộ, một mặt đốt quần áo làm hiệu cứu nạn. 5h sáng ngày 1/4/2009, toàn bộ ngư dân đã được các chiến sỹ đảo Đá Tây cứu nạn.
![]() |
Phút chia tay cảm động của các chiến sĩ Trường Sa với đoàn công tác. |
Chính trị viên đảo Đá Tây Phạm Văn Hưng cho biết, ở quần đảo Trường Sa, trường hợp hải quân cứu nạn ngư dân đi đánh cá xa bờ là chuyện “thường ngày ở huyện”. Trung úy Nguyễn Đình Hoán ở đảo Phan Vinh nhớ lại, hồi năm 2006 đảo đã đón nhận một ca cấp cứu đặc biệt khi ngư dân Quảng Ngãi đi đánh cá bị đau ruột thừa cập vào đảo. Ngay lúc đó bác sĩ ở đảo đã tiến hành mổ ruột thừa cứu sống ngư dân này. Một trường hợp khác ngư dân đánh cá không may bị loạt cá nhảy lên thuyền đâm thẳng vào cổ phải cập đảo cấp cứu. Các bác sỹ trên đảo đã tận tình cứu chữa cho đến khi ngư dân này phục hồi quay về đất liền. Bác sỹ Trần Văn Phúc ở đảo Hòn Le kể lại, có trường hợp ngư dân do lặn sâu nên bị bại liệt cập vào đảo xin cấp cứu, đảo đã tiến hành sơ cứu rồi chuyển tiếp về đất liền để chữa trị. Ngoài ra, những trường hợp ngư dân gặp nạn do bão hoặc bị tàu “lạ” tịch thu lưới, đổ dầu xuống biển cập đảo xin nước ngọt, lương thực, dầu là chuyện không hiếm. Vì vậy, nhiều ngư dân khi đánh cá ngang qua đảo thường ghé vào tặng các chiến sỹ quả bí, quả bầu hay con cá… Món quà tuy mộc mạc nhưng ấm áp tình quân dân.
Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, Đại Tá Phạm Ngọc Chấn, cho chúng tôi biết, những chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa ngoài nhiệm vụ canh giữ vùng trời biển đảo của Tổ quốc, họ còn như những ngọn hải đăng kéo ngư dân ra xa trường đánh cá xa bờ để góp phần phát triển kinh tế biển. Họ là những điểm tựa cho ngư dân Việt Nam vững lòng trong những chuyến khai thác xa bờ và ngăn chặn những tàu “lạ” khai thác nguồn lợi biển Việt Nam trái phép.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 51-52-53 ra ngày 29/4/2009.