Quy định dự thảo mới là điều kiện nối dài của Thông tư 20?
![]() |
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn góp ý vào dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu của Bộ GTVT. Theo đó, cơ quan này đã kiến nghị Bộ GTVT bỏ quy định bắt buộc doanh nghiệp nhập khẩu phải đưa ra được “Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất” hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” với xe ô tô nhập khẩu.
Cụ thể, trong dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu mà Bộ GTVT gửi các cơ quan, đơn vị góp ý có thêm quy định doanh nghiệp nhập khẩu về thị trường Việt cần có thêm “Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất” hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” với xe ô tô nhập khẩu. VCCI cho rằng, quy định này có tác động không khác gì so với quy định phải có “Giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất” như Thông tư 20 quy định về điều kiện nhập khẩu xe ô tô đã gây tranh cãi suốt trong thời gian vừa qua.
Thực tế, Giấy ủy quyền chính hãng do nhà sản xuất cấp như Thông tư 20 đã làm khó cho nhiều doanh nghiệp tư nhân trong suốt thời gian có hiệu lực. Và đến nay, nếu yêu cầu doanh nghiệp phải đưa ra “Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất” hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” với xe ô tô nhập khẩu cũng sẽ lại làm khó doanh nghiệp như vậy bởi các giấy tờ này cũng sẽ do các nhà sản xuất cấp cho từng xe.
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xe cũng cho biết: Một điều rõ ràng là "Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất” chỉ được các hãng sản xuất cấp cho các doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng. Trong khi đó, các đơn vị nhập khẩu ô tô tư nhân thường nhập khẩu qua các đại lý tại nước ngoài và sẽ không thể "kiếm" ra giấy tờ này. Vì vậy, quy định như Dự thảo sẽ chỉ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu xe trực tiếp từ nhà sản xuất mà loại bỏ các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua nhà phân phối không khác gì Thông tư 20 đã từng làm.
VCCI cho biết, thông qua các giấy tờ này, các hãng sản xuất hoàn toàn có thể bắt ép doạnh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe từ nhà sản xuất thay vì có thể mua thông qua nhà phân phối. Đây chính là hành vi hạn chế nhập khẩu song song đã bị cấm theo Điều 125.2.b của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời khẳng định, pháp luật Việt Nam không nên quy định việc bắt buộc phải được kiểm tra tại nhà máy ở nước ngoài và phải có Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.
Thực tế cho thấy, việc kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu tại Việt Nam đang được tiến hành rất chặt chẽ bằng nhiều phương thức kiểm tra tương ứng với từng loại phương tiện. Nếu một phương tiện không có Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, nhưng vẫn vượt qua được vòng kiểm tra nghiêm ngặt của Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam thì tức là vẫn đáp ứng các yêu cầu chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam. Vì vậy, không có lý do gì để không cho một phương tiện như vậy được tham gia lưu thông. Hơn nữa, kể cả trong trường hợp phương tiện không có bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đi kèm xe thì Cơ quan Đăng kiểm của Việt Nam vẫn có thể tra cứu các thông tin này thông qua số VIN của xe.
Thêm đó, tiêu chuẩn, nội dung và cách thức kiểm tra của nhà máy tại nước ngoài có thể có khác biệt so với quy định tại Việt Nam. Do đó, việc có Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng cũng không thể giúp khẳng định rằng phương tiện đó phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.
Việc bắt buộc phải có bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng tức là đã yêu cầu một phương tiện phải được kiểm tra 2 lần, với nhiều nội dung trùng lặp, không cần thiết, gây tốn kém chi phí xã hội. Các chi phí này cuối cùng sẽ được chuyển vào giá bán phương tiện đến tay người tiêu dùng. Trong trường hợp phương tiện được kiểm tra tại Việt Nam và không đáp ứng quy chuẩn của Việt Nam thì pháp luật đã có yêu cầu phải tái xuất. Đây là hình thức quản lý phù hợp.
Trao quá nhiều quyền cho cơ quan kiểm tra?
Cùng với việc kiến nghị bỏ đi 2 quy định trong dự thảo mới, trong văn bản góp ý gửi đi, VCCI cũng đưa ra góp ý về việc xử lý trường hợp kiểm tra phát hiện sai phạm.
Hiện, dự thảo Thông tư của Bộ GTVT quy định: “Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm, cơ quan kiểm tra sẽ phân tích nguyên nhân để đưa ra quyết định như: thu hồi Giấy chứng nhận hoặc yêu cầu người nhập khẩu khắc phục hay triệu hồi. Những trường hợp này, cơ quan kiểm tra sẽ xem xét để đưa ra biện pháp xử lý cụ thể đối với xe cơ giới nhập khẩu tiếp theo”. VCCI cho rằng, quy định này không rõ ràng và trao quá nhiều quyền cho cơ quan kiểm tra.
Cụ thể, trong dự thảo Thông tư đã không nêu rõ: Trường hợp nào thì bị thu hồi Giấy chứng nhận? Trường hợp nào thì phải khắc phục, trường hợp nào thì phải triệu hồi? Biện pháp xử lý cụ thể đối với xe cơ giới nhập khẩu tiếp theo là những biện pháp nào? Toàn bộ quá trình trên có được công khai không?
Cũng theo đó, thẩm quyền ra quyết định thuộc về cơ quan kiểm tra hay thuộc về Bộ GTVT mà cơ quan kiểm tra chỉ đề xuất, kiến nghị? Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về các trường hợp xử lý khác nhau và thẩm quyền xử lý.