Đây là một trong những nội dung tại “Nghiên cứu dánh giá về tình hình tham gia giao thông của học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội và đề xuất giải pháp cải thiện" của tiến sỹ Chu Công Minh vừa được công bố sáng nay. Đây là dự án được Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Ủy ban ATGT hỗ trợ.

Theo nghiên cứu, học sinh cấp 3 có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông (TNGT) của trẻ em và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây. Ba nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT trẻ em bao gồm đi sai phần đường, vi phạm tốc độ, và thiếu quan sát.

Xét các mẫu điều tra dựa trên khảo sát phỏng vấn hành vi điều khiển phương tiện với 2.390 học sinh THPT, có sự khác biệt lớn trong phương thức đi lại giữa học sinh lớp 9 và học sinh THPT. Nếu như phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường (chiếm 67%), thì học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện di chuyển thông dụng. Tỉ lệ này được cho là lên tới 52%.

Dữ liệu của CSGT và điều tra phỏng vấn học sinh đều cho thấy “vi phạm tốc độ” là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT ở lứa tuổi này. Bên cạnh đó, 34% học sinh THPT sử dụng xe mô tô không có gương chiếu hậu. Với xe máy điện tình trạng này là 81% và với xe đạp điện là 90%.

Thực trạng TNGT ở đối tượng học sinh cũng đáng báo động. Theo số liệu từ nghiên cứu này, tỷ lệ TNGT (vụ/học sinh) của nhóm tự đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất, khoảng 0,5 vụ/học sinh.

Diễn giải từ nghiên cứu của tiến sỹ Chu Công Minh cho rằng, số liệu này nghĩa llà cứ 2 học sinh thì có 1 học sinh có xảy ra TNGT liên quan tới xe đạp điện và xe máy điện.

Như vậy theo tính toán của nghiên cứu thì có tới 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện và xe đạp điện. Điều đó cho thấy xe máy điện, xe đạp điện là phương tiện đến trường mất an toàn đối với học sinh THPT, đòi hỏi phải được hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt chẽ nhiều hơn nữa để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.

Bên cạnh đó, xe bus, phương tiện di chuyển thích hợp nhất đối với độ tuổi của các em học sinh từ lớp 9 đến THPT bởi sự tiện lợi, an toàn trong điều kiện giao thông phức tạp tại đô thị lại chưa phải là lựa chọn hàng đầu của các em khi tới trường. Theo điều tra, chỉ có 2% học sinh lớp 9 và 4% học sinh cấp 3 sử dụng xe bus tới trường.

Đánh giá về công tác giáo dục ATGT, qua các cấp học, học sinh THPT vẫn chủ yếu được dạy về luật giao thông đường bộ và biển báo hiệu đường bộ. Và thực tế, học sinh được chỉ dẫn về kỹ năng điều khiển phương tiện chủ yếu từ cha mẹ.

Theo kết quả điều tra từ nghiên cứu, 33% học sinh đi bộ trả lời rằng chưa được học cách đi bộ an toàn, và 27% học sinh sử dụng phương tiện cho biết chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách vì các chủ đề này chưa có trong giáo dục an toàn giao thông tại trường học.

Cũng trong khảo sát này, có tới gần 90% học sinh và cha mẹ đồng thuận với mong muốn học sinh THTP cần học về kỹ năng điều khiển phương tiện. Những con số này cho thấy sự cần thiết của việc thực hiện các khoá huấn luyện về an toàn giao thông và kĩ năng lái xe an toàn cơ bản ngay trong trường học.

Ngoài ra, một số vấn đề cũng được chỉ ra rằng cơ sở hạ tầng dành cho khu vực xe đưa đón trước cổng trường học và đường giao thông nội bộ trong trường học chưa được quy định cụ thể trong Luật giao thông đường bộ thì hiện nay Luật này cũng chưa có quy định cụ thể về độ tuổi thấp nhất được điều khiển các loại xe đạp điện, xe máy điện. Hiện nay, không chỉ học sinh THPT mà ngay cả học sinh THCS (11 – 15 tuổi) cũng đã sử dụng xe đạp điện và xe máy điện tham gia giao thông. Dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đề xuất độ tuổi được phép điều khiển xe đạp điện, xe máy điện là từ 16 tuổi trở lên.

Thêm vào đó, chưa có quy định về việc người điều khiển xe đạp điện và xe máy điện phải có chứng chỉ pháp luật giao thông đường bộ và chứng chỉ kỹ năng lái xe an toàn. Kết quả điều tra phỏng vấn cho thấy, có tới 68% giáo viên và 89% phụ huynh học sinh THPT ủng hộ việc thực hiện cấp chứng chỉ ATGT đối với học sinh đi xe đạp điện và xe máy điện.