
TS Vũ Thành Tự Anh - Giảng viên cao cấp trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam có bài trình bày công phu, thuyết phục về con đường phát triển của Việt Nam tới đây tại hội thảo khoa học quốc gia do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Tuần Việt Nam lược ghi. |
Việt Nam giữa hai ngã rẽ
Về địa lý, Việt Nam nằm ở giữa khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Hướng lên trên là Đông Bắc Á, xuôi về dưới là Đông Nam Á.
Về kinh tế, kể từ khi vượt qua ngưỡng thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD, quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam hiện nay cũng đang nằm trên các nước Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan, song nằm dưới các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ở thời điểm này, khi thu nhập bình quân đầu người (GNI theo phương pháp Atlas) vượt trên 4.000 USD, Việt Nam đang có khát vọng trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Vậy quỹ đạo tăng trưởng của nước ta những năm tiếp theo sẽ như thế nào? Tôi đưa ra ba kịch bản tăng trưởng:
Kịch bản thứ nhất là tiếp tục tăng trưởng trung bình trên 6% như những năm qua, thì đến năm 2045, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt gần 16.000 USD.
Kịch bản cao hơn là tăng trưởng bình quân mỗi năm 7%, thì đến năm 2045, thu nhập đầu người sẽ khoảng 19.700 USD, gần chạm ngưỡng của nhóm thu nhập cao.
Với hai kịch bản này, tới năm 2045, Việt Nam sẽ lớn mạnh hơn nhiều nước Đông Nam Á, nhưng vẫn thua các nước Đông Bắc Á.
Còn nếu tăng trưởng bình quân đạt 10% như mục tiêu đặt ra thì đến năm 2045, thu nhập đầu người sẽ vượt trên 33.000 USD, tương tự như Hàn Quốc vào năm 2019, chắc chắn gia nhập nhóm nước phát triển của Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, ngay cả với kịch bản tăng trưởng 7%/năm cũng sẽ đầy thách thức vì khi đó tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong giai đoạn 2019–2030 phải đạt khoảng 4%. Mà đạt được mức này cũng đã là kỳ tích.
Còn nếu để đạt mục tiêu tăng trưởng 9%/năm thì tốc độ tăng TFP phải lên tới 5,6%, một thành tích mà ngay cả các quốc gia Đông Bắc Á thành công cũng khó đạt được.
Hay nói cách khác, thách thức về tăng trưởng năng suất là vô cùng lớn nếu đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm 10%.
Hơn nữa, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Hai thập niên trước, tăng trưởng lực lượng lao động của nước ta khoảng 2%, thì giờ chỉ còn 0,5%, và vài năm nữa sẽ tăng trưởng âm. Trong bối cảnh này, để tăng trưởng cao thì tình trạng già hóa dân số phải được bù đắp bởi tăng trưởng năng suất cao hơn. Đây là thách thức số một của Việt Nam.
Thông thường, một quốc gia khi đạt mức thu nhập càng cao thì tốc độ tăng trưởng càng giảm. Thực tế là ở châu Á, Chỉ có Singapore và Hàn Quốc là vẫn tiếp tục duy trì được tăng trưởng GDP bình quân đầu người khoảng 10% liên tục sau khi đã vượt qua ngưỡng 4.000 USD – mức của chúng ta bây giờ.

Tất cả những số liệu này cho thấy, mục tiêu tăng trưởng hai con số mà chúng ta đặt ra là cực kỳ tham vọng. Chúng ta phải có những thay đổi khác biệt một cách cơ bản so với những gì đang làm hiện nay thì mới có thể đi theo mô hình phát triển Đông Bắc Á, thay vì bị chìm đắm trong mô hình Đông Nam Á.
Các quốc gia Đông Bắc Á khi bước vào giai đoạn tăng trưởng cao đều có những đặc trưng chung về chuyển hóa cơ cấu kinh tế, bao gồm công nghiệp hóa, đô thị hóa, đa dạng hóa kinh tế, tăng cường chất lượng thể chế, nâng cao năng lực Chính phủ, tăng cường vốn con người và nâng cấp chuỗi giá trị ở mức rất cao.
Trong khi đó, các nước hàng đầu ở Đông Nam Á (ngoài Singapore) như Malaysia, Thái Lan, Indonesia thì các chuyển đổi cơ cấu này hạn chế hơn rất nhiều.
Tóm lại, nếu Việt Nam không chuyển hóa cơ cấu thành công thì mục tiêu tăng trưởng 10% trong 20 năm là hoàn toàn nằm ngoài tầm với.
Ba trụ cột phát triển
Để chuyển hóa cơ cấu kinh tế thành công, có rất nhiều việc quan trọng cần làm, song ba trụ cột quan trọng nhất bao gồm:
Thứ nhất, đó là thể chế dung hợp: Tập quyền chính trị và tham gia dân chủ, thượng tôn pháp luật, kiểm soát tham nhũng và cân bằng sức mạnh giữa nhà nước và xã hội.
Thứ hai, đó là kinh tế thị trường, trong đó khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng chính; chính sách công nghiệp theo lợi thế so sánh; tận dụng triệt để lợi thế của người đi sau.
Nghị quyết 68 mới ban hành đặt khu vực kinh tế tư nhân vào trung tâm của quá trình phát triển và là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất của đất nước.
Về chính sách công nghiệp, Việt Nam sẽ phải tự tìm hướng đi mới cho mình vì khác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, chúng ta đang ở trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Việt Nam đã hội nhập rất sâu, cam kết quốc tế rất rộng, nhưng lại bị 'chặn trên' bởi một Trung Quốc cực kỳ hùng mạnh – là công xưởng của thế giới – rất khác so với Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản những năm 1960–1980.

TS Vũ Thành Tự Anh: Nếu Việt Nam không chuyển hóa cơ cấu thành công thì mục tiêu tăng trưởng 10% trong 20 năm là nằm ngoài tầm với.
Thứ ba, là ý quan trọng nhất, xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, làm trụ đỡ cho toàn bộ nỗ lực chuyển hóa cơ cấu.
Chúng ta đã đặt lại vai trò trung tâm của doanh nghiệp tư nhân, nhưng cũng nên đặt lại vai trò trung tâm của bộ máy thiết kế, ban hành và thực thi chính sách.
Trách nhiệm chấn hưng đất nước được đặt lên vai của những nhà “kinh bang tế thế”, có niềm tự hào khi họ trở thành người đóng góp cho sự phát triển của dân tộc. Tôi nghĩ đây là điều mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây hơn là Trung Quốc đã làm được.
Việt Nam, tuy có truyền thống trọng dụng hiền tài từ xưa, song đến thời điểm này vẫn chưa làm được như bốn nước Đông Bắc Á. Chỉ khi chúng ta đặt bộ máy nhà nước vào vị trí trung tâm để khu vực này trở thành trụ cột thực sự cho kiến tạo thay vì cản trở phát triển, thì tôi tin Việt Nam mới có thể phát triển nhanh và bền vững.
Còn nếu không, chúng ta vẫn có thể ban hành các chương trình tái cơ cấu kinh tế, đưa ra các nhiệm vụ rất tham vọng, nhưng sẽ không có bộ máy thực thi đủ hiệu lực và hiệu quả.
Chúng ta nói thể chế đang là “nút thắt của nút thắt”, và tôi cho rằng nút thắt cũng nằm ở khâu thực thi. Nhưng thực thi bản thân nó phụ thuộc vào các trụ cột, trong đó các trụ cột quan trọng nhất là phải có thể chế tốt, phải có nhà nước mạnh để triển khai, và phải thuận theo kinh tế thị trường. Đây là ba trụ cột chính. Vì thiếu ba trụ cột này nên trong những năm qua, mặc dù chúng ta nói nhiều đến tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng chuyển biến chậm.
Mở rộng không gian cho tự do, dân chủ
Khi nói đến năng lực của Nhà nước, thì có ba cấp độ quan trọng:
Thứ nhất là tính chính danh chính trị và cam kết ở cấp cao nhất. Hiện nay, chúng ta đang rất thuận lợi ở khía cạnh này.
Tuy nhiên, ở cấp độ thứ hai - năng lực chính sách - chẳng hạn, sự nhất quán trong thiết kế chính sách, sự phối hợp giữa các công cụ chính sách, sự linh hoạt và quyết liệt trong thực hiện – thì chúng ta chưa làm tốt.
Tương tự như vậy, ở cấp độ thứ ba - năng lực hành chính - đang có sự bất cân xứng: một bên là nhiệm vụ quá lớn, bên kia là năng lực bộ máy không tương thích, nhất là trong bối cảnh thế giới và trong nước đang đổi thay mạnh mẽ như hiện nay.
Hãy thử xem con đường đi đến thịnh vượng của Hàn Quốc. Họ xây dựng năng lực nhà nước và cho phép sự tham gia làm chủ của người dân. Họ tăng cường năng lực nhà nước trước; khi GDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.000–10.000 USD thì bắt đầu mở rộng sự tham gia dân chủ. Đó là điểm uốn rất quan trọng của Hàn Quốc. Ở Đài Loan cũng tương tự như vậy.
Nếu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng như hiện nay, thì điểm uốn đó sẽ xuất hiện trong 10 năm tới.
Còn các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan cứ loay hoay, không tăng cường được năng lực nhà nước, cũng chưa mở rộng được dân chủ.

Việt Nam chúng ta đang ở đâu? Trong hình vẽ, chúng ta là đường màu tím ở giữa và dường như đang đi theo con đường của Đông Bắc Á, đang cố gắng nâng cao năng lực nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta chưa đến được đoạn có thể thực hiện “điểm uốn” – mở rộng tự do, dân chủ – để chuyển thành một quốc gia hiện đại.
Nói tóm lại, điểm quan trọng nhất ở đây là: Ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải tăng cường năng lực của nhà nước để có thể điều phối, quản lý hiệu quả trong một nền kinh tế ngày càng trở nên phức tạp – không chỉ bên ngoài mà cả bên trong.
Tác giả Peter Evans trong cuốn sách nổi tiếng về kinh tế Hàn Quốc đã đưa ra một thuật ngữ quan trọng: các công chức cần có niềm tự hào khi được đóng góp cho sự phát triển đất nước; họ dấn thân nhưng liêm chính, không bị chi phối và thao túng bởi các nhóm lợi ích, đặc quyền đặc lợi. Đây là một trong những chìa khóa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để tăng trưởng cao và bền vững.
Thứ hai là quản trị thích ứng, linh hoạt của chính phủ – chắc chắn sẽ là một trong những đặc trưng quan trọng của Việt Nam và thế giới trong giai đoạn tới.
Thứ ba, muốn phát huy nội lực, thì kinh tế tư nhân phải thực sự trở thành động lực tăng trưởng chính, chủ chốt của quốc gia.
Thứ tư, cần có sự tương thích giữa năng lực bộ máy, thể chế và tốc độ cải cách. Nhiều khi chúng ta duy ý chí, muốn đẩy cải cách quá nhanh, quá xa, trong khi năng lực thể chế và bộ máy chưa được chuẩn bị tương ứng, thì dễ dẫn đến va chạm và rạn nứt.
Thứ năm, một chiếc xe muốn đi nhanh thì điều quan trọng không chỉ là ga, mà là phải có phanh thật tốt, chỉ khi ấy mới có thể tự tin tăng tốc. Hay nói cách khác, việc quản lý rủi ro địa kinh tế, địa chính trị và rủi ro vĩ mô trong nước là rất quan trọng trong khi chúng ta muốn tăng tốc phát triển.
Cuối cùng, sự phát triển phải mang lại lợi ích và hạnh phúc cho người dân. Vì thế, cần có sự cân bằng tinh tế giữa quyền lực của Nhà nước; tự do, dân chủ và sự năng động của xã hội như Acemoglu và Robinson – Nobel Kinh tế 2024 – chứng minh một cách thuyết phục trong tác phẩm “Hành lang hẹp”.



