Ở Việt Nam, chăn nuôi gia cầm đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cung cấp thực phẩm có nguồn gốc động vật cho xã hội cũng như phát triển kinh tế của các hộ gia đình nông dân. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề dịch bệnh, các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Từ tháng 1 năm 2019, cùng với một số nước ở châu Á, Việt Nam đã được tham gia Dự án Nghiên cứu gia cầm Một sức khỏe với mục đích góp phần giải quyết các vấn đề an toàn và an ninh thực phẩm, đồng thời cũng phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi gia cầm.

Dự án này là một trong 12 dự án nghiên cứu trọng điểm liên ngành thuộc Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu của Vương quốc Anh (GCRF). Mỗi trung tâm nghiên cứu áp dụng các phương pháp nghiên cứu đa dạng nhằm giải quyết những thách thức hiện có. Cơ quan chủ trì của dự án này là Đại học Thú y Hoàng gia Luân Đôn. 

W-IMG_3497.JPG.jpg

Trong những lần thăm chính thức Việt Nam và gặp gỡ lãnh đạo ngành nông nghiệp và môi trường, Giáo sư Christine Middlemiss, Trưởng Cơ quan Thú y Vương quốc Anh luôn ưu tiên thảo luận kỹ lưỡng về hợp tác thương mại cho các sản phẩm có nguồn gốc động vật.

Mới đây, hai bên đã trao đổi về khoản tài trợ mới trị giá 3,5 triệu bảng của Vương quốc Anh để hỗ trợ nuôi trồng thủy sản bền vững, không dịch bệnh tại Đồng bằng sông Cửu Long thông qua Đại học Stirling.

Trong 15 năm qua, tổng đàn gia cầm của Việt Nam phát triển ổn định với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 6%; hệ thống chăn nuôi gia cầm từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ sang chăn nuôi với quy mô lớn. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gia cầm. Việt Nam đang nỗ lực tạo dựng thương hiệu sản phẩm gia cầm, gia súc để thúc đẩy xuất khẩu, trong đó có thị trường Vương quốc Anh;… 

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tiềm năng cho con đường xuất khẩu nông sản sang thị trường này tiếp tục mở rộng hơn. Theo đó, Hiệp định sẽ tạo cơ hội lớn thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như: thủy sản, gạo, đồ gỗ, rau quả… với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa tương đương Hiệp định EVFTA. Đồng thời, song song với việc có thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Bởi vậy, việc tăng cường hợp tác giữa các ngành (y tế, thú y, xã hội, môi trường, công thương), các lĩnh vực (khoa học, quản lý và dịch vụ tư nhân), các địa phương, và các quốc gia nhằm củng cố chất lượng sản phẩm nông nghiệp đóng vai trò quan trọng để đạt được các mục tiêu trên. Theo đó, Dự án Nghiên cứu gia cầm Một sức khỏe được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn và bền vững hơn ở Việt Nam và trên toàn cầu.