
Muôn kiểu giải trí chờ sáng
Nửa đêm 29, rạng sáng 30/4, các tuyến đường quanh khu vực diễn ra diễu binh, diễu hành chật kín người dân. Trời chưa sáng, nhiều người đắp chăn, che mặt ngủ tạm trên vỉa hè, bên gốc cây. Những người khác tìm đủ kiểu giải trí chờ trời sáng.
Đa số những người này đọc báo, xem phim, chơi game trên điện thoại, máy tính bảng. Một số khác tranh thủ chụp ảnh tự sướng, trò chuyện với người thân qua cuộc gọi trực tuyến hoặc cùng nhau chơi cờ cá ngựa,…

Ngồi trên vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, TPHCM), bà Gấm (65 tuổi) thu hút trí tò mò của nhiều người khi lặng lẽ cầm bút, viết những dòng chữ thẳng tắp trên trang giấy trắng. Bà Gấm sống tại TPHCM nhưng quê gốc ở Long An.
Những ngày qua, bà thường xuyên đi xem các buổi tập luyện, sơ, tổng duyệt diễu binh, diễu hành trên đường Lê Duẩn (quận 1, TPHCM). Đêm 29/4, bà có thêm một số người thân từ Long An đến, cùng ra vỉa hè “xí chỗ” đợi xem diễu binh sáng 30/4.
Thấy bà ngồi lặng lẽ ngồi viết nhật ký trên vỉa hè, hầu như ai đi qua cũng ngoái đầu nhìn, ngạc nhiên, tò mò. Tuy nhiên vì không muốn đánh mất sự riêng tư, dòng cảm xúc của bà, mọi người chỉ xem rồi nhanh chóng lướt qua.
Bà Gấm chia sẻ: “Tôi ngồi đây, ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình khi đang trải qua thời khắc nhiều ý nghĩa. Tôi ghi lại cả kỷ niệm ngày xưa lẫn cảm xúc hiện tại.

Về ngày xưa, tôi hồi tưởng đoạn ký ức quê hương, tuổi thơ chìm trong chiến tranh ác liệt. Lúc ấy, cũng như mọi người dân Việt Nam, tôi khát khao đất nước hòa bình, độc lập, tự do.
Ngay lúc này, khi thấy dòng người ùn ùn kéo về trung tâm thành phố để hòa mình vào niềm vui mừng ngày thống nhất đất nước, lòng tôi nao nao hạnh phúc.
Là người trải qua chiến tranh, tôi thấu hiểu sự quý giá tột bậc của hòa bình, tự do. Bây giờ, tôi ở đây để tận hưởng một lần nữa niềm vui, không khí hòa bình, độc lập giống như cách đây 50 năm”.
Lưu giữ ký ức
50 năm trước, bà Gấm mới 15 tuổi. Bà cùng gia đình sống tại xã Bình Chánh (huyện Bến Lức, Long An) xưa. Người dân tại xã hầu hết đều tham gia kháng chiến. Bà Gấm kể: “Cả dòng họ tôi đều theo cách mạng, tham gia kháng chiến.
Ba tôi đi kháng chiến rồi bị địch bắt, tù đày. Sau này, chị tôi cũng noi gương ông đi kháng chiến. Các gia đình trong dòng họ tôi có rất nhiều người hy sinh. Có gia đình mất cả 3 người.

50 năm trước, tôi mới 15 tuổi nhưng tôi đã cảm nhận, thấy được sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh. Thế nên, cũng như những đứa trẻ cùng thời, tôi cùng các anh, chị, em khác tham gia kháng chiến.
Chúng tôi đi rải truyền đơn, làm liên lạc, mua thuốc men, gạo cho các chú bộ đội hoặc chỉ đơn giản là học cách ra ám hiệu để giao tiếp với các chú, các bác hoạt động cách mạng”.
Tuổi thơ bị đạn bom dày xéo, ngày đất nước hòa bình, thống nhất, những đứa trẻ như bà Gấm vui như mở hội. Bà biết khi chiến tranh sẽ kết thúc, sẽ không còn cảnh bom đạn khiến nhà cửa tan hoang, người thân hy sinh nữa.
“Hôm nay, sau 50 năm, tôi sống lại ký ức đầy tự hào ấy. Một không khí thật tuyệt vời. Đêm nay, ngày mai có những dòng người không phân biệt tuổi tác, gái trai, Nam, Bắc. Mọi người không quan tâm là quen biết hay xa lạ mà cùng chan hòa, hướng về niềm vui chung.
Tôi có thói quen viết nhật ký từ thời thanh xuân và giữ nó đến tận bây giờ. Hôm nay là một dịp đặc biệt. Tôi viết ra cảm xúc của mình như một cách lưu lại khoảnh khắc sẽ trở thành một đoạn ký ức thật đẹp”, bà chia sẻ thêm.


