- Đề cập vụ vỡ đập thủy điện ở Gia Lai, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm không để xảy ra tình trạng tương tự.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 13/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay, bây giờ không phải mùa lũ nhưng xảy ra vỡ đập là "có chuyện, chứng tỏ thi công rất ẩu". 

"Thủ tướng đã có ý kiến rồi, phải xem, điều tra rồi xử lý nghiêm không để tình trạng như thế này xảy ra. Cũng may là chưa chết người. May nữa xảy ra ban ngày, chứ không đến mùa lũ, tích nước đầy thì có mà chết. Cách làm như thế thì không thể chấp nhận được" - ông phát biểu.

Theo Phó Thủ tướng, hiện Cục Giám định Nhà nước, Cục Kỹ thuật an toàn (Bộ Công thương) đã có mặt ở Gia Lai. Những cơ quan này sẽ cùng với UBND tỉnh Gia Lai kiểm tra để xác định nguyên nhân vỡ đập và xử lý sự cố. Đây cũng là bài học rút kinh nghiệm cho những đập khác, đặc biệt là các đập nhỏ. Ông lưu ý sự chủ quan đối với đập thủy điện nhỏ.

Xử nghiêm để răn đe

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay đập thủy điện Ia Krel 2 đã tích nước rồi nhưng chưa có hồ sơ pháp lý về mặt kỹ thuật. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Tôi sẽ phải kiểm tra. Nếu đúng như thế thì phải xử lý thật nghiêm.

Giám sát công trình thủy điện chủ yếu thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương, còn công trình đạp thủy lợi thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp. Khi xảy ra vỡ đập thì ai chịu trách nhiệm?

Trong phân công, phân cấp hiện nay,ì các hồ thủy điện thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương, còn các hò thủy điện từ công suất 30 MW trở xuống thì lại phân cấp cho các địa phương. Cứ theo phân cấp này mà quy trách nhiệm thôi. Các địa phương giao trách nhiệm cho sở ngành nào thì sở ngành đó cũng phải theo trách nhiệm mà kiểm điểm.

{keywords}
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thế nhưng, tôi nói vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 là sự cố lớn, tuy không xảy ra thiệt hại về người nhưng đấy chẳng qua là may thôi. Nếu không sẽ thành thảm họa. Cho nên phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc và xử lý thật nghiêm. Trên cơ sở đó cũng là điều kiệm để các bộ ngành, địa phương tăng cường kiểm tra kỹ các dự án, kể cả công trình thủy lợi.

Liệu cần có chế tài mạnh mẽ hơn đối với lãnh đạo ngành và địa phương không?

Chế tài mạnh có hết rồi.Sự cố vỡ đập này tôi sẽ vào kiểm tra xem sai sót là do bên nào. Thiết kế, thi công, nghiệm thu, vận hành… sai ở khâu nào phải xử lý trách nhiệm ở khâu đó. Nếu không xử lý nghiêm sẽ rất nguy hiểm vì còn những công trình ở nơi khác nữa. Xử lý nghiêm để tạo răn đe cho chủ đầu tư khác.

Không để xảy ra thảm họa

Qua sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2, phải chăng do thủy điện phát triển ồ ạt quá, vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền địa phương?

Có thể đúng ở khía cạnh một địa phương nào đấy. Số lượng đập thủy điện phát triển không đồng đều ở các địa phương, có địa phương nhiều có địa phương lại ít đập thủy điện. Cũng có thể liên quan đến việc quá sức quản lý. Nhưng mà vấn đề này phải theo năng lực của địa phương quyết định thôi.

Trên cả nước còn nhiều công trình đắp đập đang trong quá trình thiết kế, thi công như đập Ia Krel 2 này không?

Chắc còn nhiều. Các công trình thủy lợi, thủy điện thì chúng ta phải thường xuyên xây dựng. Cần thì rất cần nhưng không có nghĩa là làm bậy. Do đó phải xử lý thật nghiêm trường hợp vỡ đập Ia Krel 2. Phải coi đây là trường hợp chúng ta gặp may. Như thế chúng ta đừng hy vọng lần sau sẽ gặp may như thế nữa và thiệt hại sẽ rất lớn.

Thời gian qua liên tục xảy ra sự cố về thủy điện gây lo lắng bất an cho người dân. Có giải pháp căn cơ như thế nào thưa Phó Thủ tướng?

Việc làm gian, làm ẩu nếu không thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thì vẫn bị xảy ra sự cố. Những sự cố công nghiệp rất dễ xảy ra thảm họa, nếu mình không tính trước, không thường xuyên kiểm tra để nó xảy ra vỡ đập thì không còn cơ hội rút kinh nghiệm nữa.

Tá Lâm (ghi)