"Bội thu" từ chương trình OCOP
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam triển khai chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) với những cách làm sáng tạo riêng biệt. Chương trình OCOP đến nay đã đạt được kết quả to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng nông thôn đặc biệt khó khăn.
Bắt đầu triển khai từ năm 2013, đến nay sau 7 năm đi vào hoạt động, Chương trình OCOP đã được khẳng định là hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất và là thương hiệu hiệu riêng có của tỉnh Quảng Ninh.
Đánh giá về kết quả triển khai chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: “Chương trình OCOP Quảng Ninh đã khẳng định hướng đi đúng đắn, sâu sắc, bài bản của tỉnh trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những thế mạnh địa phương.
![]() |
Xây dựng NTM: OCOP của Quảng Ninh không ngừng vươn xa |
Theo ông Vũ Thành Long, Trưởng ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, chương trình OCOP đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn. OCOP góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn Quảng Ninh, giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hình thành các tổ chức doanh nghiệp trong nông nghiệp.
Đến nay, Quảng Ninh đã có 428 sản phẩm tham gia OCOP; trong đó 196 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; trên 90% sản phẩm thuộc chương trình OCOP đã được dán tem điện tử, hoặc đã có mã số, mã vạch để truy xuất nguồn; các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP có nhiều khởi sắc, hầu hết các đơn vị sản xuất đều có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận khi tham gia chương trình OCOP của tỉnh.
Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, Quảng Ninh đã có nhiều chỉ đạo nhằm đưa sản phẩm OCOP của địa phương không ngừng vươn xa. Hồi năm ngoái, Quảng Ninh đã có thêm 25 tổ chức tham gia chương trình OCOP, nâng tổng số tổ chức tham gia OCOP toàn tỉnh là 169 đơn vị sản xuất, đã có thêm 103 sản phẩm được thẩm định đạt yêu cầu tham gia chương trình OCOP; các sở, ngành liên quan đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo, tập huấn và trực tiếp hướng dẫn cho hơn 500 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất về công tác đăng ký sở hữu công nghiệp....; toàn tỉnh tổ chức 3 đoàn công tác kết nối xúc tiến giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh, thành khu vực miền Nam, miền Trung và thành phố Hà Nội; tổ chức 5 hội chợ OCOP cấp tỉnh (bình quân mỗi hội chợ thu hút từ 70 - 100 nghìn lượt người tham quan mua sắm); tổ chức 2 tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại Công viên SunWorld Bãi Cháy và BigC Hạ Long; các địa phương cũng tổ chức 17 hội chợ OCOP cấp huyện gắn với Hội chợ hàng Việt; tham gia hội chợ quốc tế, nhiều hội chợ, hội nghị, triển lãm ngoài tỉnh; thành lập đoàn công tác xúc tiến thương mại quốc tế tại Lào và Nhật Bản...
Gắn sao để nâng tầm sản phẩm
Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh chính thức triển khai việc chấm điểm và gắn sao cho sản phẩm OCOP. Những sản phẩm đạt 3-5 sao đều phải đạt tiêu chuẩn nhà nước về VSATTP, kiểu dáng công nghiệp, nhà xưởng đảm bảo vệ sinh môi trường, có hệ thống quản trị, bao bì, nhãn mác... Qua việc chấm điểm, các đơn vị sản xuất đã từng bước nâng cao ý thức, thay đổi tư duy sản xuất. Tuy nhiên, trong những năm đầu triển khai gắn sao, việc chấm điểm sản phẩm chỉ thực hiện tại tỉnh mà không có sự kiểm tra, đánh giá trực tiếp ở đơn vị sản xuất, các địa phương sau đó cũng buông lỏng sự quản lý... dẫn đến phát sinh và tồn tại khá nhiều bất cập, hạn chế ngay trong chính những sản phẩm đạt sao này. Trong đó, chủ yếu liên quan đến nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bao bì, tem nhãn, chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, ngay đầu năm 2020 Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-BCĐ ngày 08/01/2020 về triển khai Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm năm 2020 với chủ đề “Sản phẩm chuyên nghiệp”, theo đó chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ, tiến hành rà soát lại mẫu mã bao bì tất cả các sản phẩm, yêu cầu 100% sản phẩm thuộc chương trình OCOP phải dán tem truy xuất nguồn gốc và dán nhãn đúng quy định. Trường hợp nào không đủ điều kiện VSATTP cần kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận. Mặt khác, đối với những sản phẩm đã đạt sao, sau 1 hoặc 2 năm, tỉnh cần có sự đánh giá, chấm điểm lại toàn bộ các quy trình từ sản xuất cho đến tiêu thụ, đơn vị nào không đảm bảo đạt tiêu chuẩn có thể thu hồi hoặc cho xuống hạng sao.
Theo ông Cường, Quảng Ninh đang tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa Chương trình OCOP trở thành một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh.
Cụ thể, trong 5 năm tới của OCOP Quảng Ninh hướng tới chuyên nghiệp hóa, thể chế hóa. Ở đó, chu trình OCOP đưa vào thực hiện sẽ rõ ràng từng tiêu chí lựa chọn sản phẩm, đơn vị tham gia cùng các thể chế hỗ trợ cụ thể, chi tiết. Đây là bước tiến mới và nâng tầm cho OCOP Quảng Ninh, kỳ vọng tạo niềm tin lớn cho người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP, định hướng hòa nhập thị trường quốc tế.
Anh Duy
Ảnh: Vũ Lụa