Xuống Hải Phòng mua điện thoại “cắt quai”
Sáng chủ nhật, đang ngồi uống cà phê một mình, bỗng tôi nhận được tin nhắn của bạn tôi là Dũng: “Xuong Hai Phong mua dien thoai “cat quai” di”. Đang rỗi việc, lại chưa hiểu điện thoại “ cắt quai” là gì, tôi nhận lời ngay.
“Chợ đồ chôm” xứ người
Điện thoại “cắt quai” có thể hiểu một cách ngắn gọn, đó là… đồ “chôm chỉa” ở nước ngoài được các thuỷ thủ tầu viễn dương hoặc tiếp viên hàng không đem về bán với giá khá rẻ. Nghe ra thì có vẻ lạ nhưng đối với dân trong nghề, đặc biệt là dân buôn hay chơi điện thoại họ không lạ gì cái “ chợ” điện thoại cắt quai ở Hải Phòng. Theo Dũng, gọi là “chợ” nhưng không tấp nập kẻ bán người mua, chỉ có ai biết thì tìm đến, ai rành giá thì khỏi hớ, hàng được bày bán công khai toàn là… đồ chôm nơi xứ người.
Địa chỉ chúng tôi tìm đến là một cửa hàng bán ĐTDĐ nằm ngay trên đường Đà Nẵng, nơi được coi là một trong những khu “chợ” bán hàng cắt quai. Vừa thấy Dũng và tôi đến, tay chủ quán chạy đến đon đả: “Hàng của em vừa về, nhiều loại điện thoại độc lắm! các anh tha hồ mà chọn…”. Nói rồi anh ta vào trong nhà bê ra một thùng cát tông bên trong có vô số các loại điện thoại đủ màu sắc. Nhiều chú “dế” rất độc mà tôi chưa hề thấy trên thị trường. Dũng và tôi tìm cho mình mỗi người một chiếc điện thoại trông khá lạ mắt rồi hỏi giá, gã chủ phán một câu chắc nịch: “Mỗi chiếc giá 3,5 triệu đồng, không bớt”. Ngỡ ngàng trước giá của chiếc điện thoại nhưng tôi vẫn xem kỹ chiếc máy, cố tìm ra lí do vì sao nó lại có giá rẻ đến như vậy. Rõ ràng chiếc máy còn nguyên như mới, không một vết sước, ốc vít vẫn còn dán tem chứng tỏ máy vẫn mới, duy chỉ có chiếc quai bên trái là bị cắt gọn bằng một vật gì đó rất sắc. Thấy tôi đắn đo, tay chủ quán cười giải thích: “Ở đây cái nào chả thế, không phải bị hỏng đâu mà phải cắt ra như thế này mới lấy được. Đồ chôm siêu thị, giá thế này là quá bèo rồi”. Cuộc mua bán diễn ra khá nhanh chóng, sau khi chiếc điện thoại giảm xuống còn 3,2 triệu đồng với lí do khách quen.
Theo Dũng, đồ cắt quai sở dĩ có nhiều người tìm mua bởi giá cả hấp dẫn, phù hợp với túi tiền của người Việt lại đảm bảo hàng xịn của Nhật Bản, cho dù có thiếu phụ kiện hay mất cái quai cũng không quan trọng. Trước đây, hàng cắt quai không bán theo giá thị trường mà bán theo giá nhập hàng, nhưng giờ thì các đầu nậu đánh hơi thấy lợi nhuận béo bở của nó nên giá chỉ giảm một phần chấp nhận được so với giá thị trường. Lý do khác là hàng từ gốc cũng lên giá do nghề chôm bên xứ người ngày càng khó. Các đầu nậu bên xứ người có hẳn đội ngũ chuyên ăn cắp đồ trong các siêu thị lớn. Siêu thị ở đây cực rộng và ít người trông coi, biện pháp chống trộm cắp trông vào camera, đã tạo kẽ hở cho các “đạo chích” giở các ngón nghề của mình. Dây thép xâu hàng nếu cắt, hệ thống chống trộm sẽ báo động, mang hàng ra mà để nguyên dây gắn mác, máy báo động cũng kêu. Vì thế, khi vào siêu thị chúng mang theo những chiếc kìm chuyên dụng, nhỏ và cực sắc, cắt bỏ chiếc quai thường dùng để làm dây đeo, luồn dây thép và cả dây gắn mác ra ngoài rồi ung dung đem về. Đồ cắt quai sinh ra từ đó.
Dạo một vòng quanh “chợ” cắt quai, tôi và Dũng còn xem đủ loại mặt hàng điện tử kỹ thuật cao: Máy ảnh, máy ghi âm, máy chiếu Prjector, máy quay phim mini, máy nghe nhạc, laptop đời mới… nhiều nhất vẫn là điện thoại, với giá cả rất hợp lý. Tất nhiên, những chiếc máy này đều bị cắt quai đeo.
Nẻo đường dẫn tới chợ “đồ chôm”
Được biết, hầu hết nguồn cung cấp hàng “cắt quai” về nước đều được các đầu nậu Việt kiều hay những người Việt ở Nhật Bản thực hiện dưới hình thức xách tay. Sự khôn khéo, ranh mãnh của đường dây gom hàng-vận chuyển – tiêu thụ liên quốc gia đã tạo nên một thị trường sôi động gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Ở chợ đồ cắt quai này, không chỉ có hàng Nhật xịn mà thời gian gần đây còn xuất hiện một nguồn hàng nữa, đó là đồ cắt quai mang nhãn hiệu made in… China. Do nắm bắt được nhu cầu thích chơi đồ “cắt quai”, một số đầu nậu còn mang mẫu mã sang bên kia biên giới đặt hàng đem về bày bán cùng với đồ cắt quai xịn. Và một nguồn hàng nữa không thể không nói đến, đó chính là những chiếc điện thoại của các khổ chủ đã mua về lại bị các “đạo chích” mổ lại đem đến đây bán. Rời thành phố Cảng khi ánh đèn đường đã bắt đầu toả ra ánh sáng vàng vọt. Dũng nói với tôi với vẻ mặt tiếc nuối: “Hôm nào rảnh tớ với cậu lại xuống đây nhé! Hàng xịn, giá bèo tội gì…”. Tôi chỉ còn biết gật đầu đồng ý và hy vọng một ngày nào đó trở lại khu “chợ” này đã bị dẹp bỏ.
Bùi Lương Việt
04/5/2006