Xem clip sóng đánh dữ dội ở biển Đồ Sơn vào 13h30 hôm nay (nguồn: Anh Hùng):
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, hoàn lưu bão số 3 sẽ tiếp tục gây mưa cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó tập trung 2 khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, với lượng mưa khoảng 150-300mm trong ngày và đêm nay, cục bộ có thể cao hơn.
Theo Cục khí tượng Thủy văn, hiện nay, Hòn Dấu (Hải Phòng) gió mạnh 20m/s (cấp 8); Văn Lý (Ninh Bình) 18m/s (cấp 7), vẫn cấp gió bão. Người dân cần hết sức thận trọng đề phòng gió giật, mưa giông cục bộ.

Bão số 3 Wipha sau khi vào đất liền sẽ tiếp tục di chuyển hướng Tây Tây Nam, 10-15km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Độc giả có thể đọc thêm tin tức về cơn bão số 3 tại đây.
4 bản ở Nghệ An bị cô lập hoàn toàn
Chiều 22/7, lãnh đạo UBND xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An cho biết, trận lũ quét vừa xảy ra trên địa bàn gây thiệt hại nghiêm trọng đến hạ tầng và cô lập nhiều bản làng. Theo lãnh đạo địa phương, do ảnh hưởng của bão số 3 trên địa bàn xuất hiện mưa lớn.
Khoảng 11h đến 14h chiều cùng ngày, xuất hiện lũ quét. Nước lũ đổ về bất ngờ từ đầu nguồn suối Khe Hỷ, cuốn trôi nhiều công trình. "Lũ quét cuốn trôi cây cầu bắc qua suối ở bản Nhôn Mai. Nước lũ dâng nhanh khiến trụ sở công an xã bị ngập sâu, cán bộ phải khẩn trương di chuyển đồ đạc lên nơi cao", lãnh đạo xã Nhôn Mai nói.
Được biết, hiện nay trên tuyến Quốc lộ 16 đoạn qua trung tâm xã bị chia cắt 4-5 điểm do sạt lở nặng và nước dâng cao. Theo lãnh đạo xã, có Ít nhất 4 bản của xã Nhôn Mai đang bị cô lập hoàn toàn gồm bản Nhôn Mai, bản Cằng, bản Huồi Tụ và bản Lạ.
Clip do người dân ghi lại:
15h20 hôm nay, nhiều tuyến đường tại Quất Lâm (Ninh Bình) vẫn ngập trong nước. Nhiều người dân tìm cách vào sâu trong đất liền để tránh bão.


Bão đi sâu vào đất liền, cảnh báo giông, lốc và mưa lớn ở Hà Nội
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến 13h, vị trí tâm bão số 3 trên đất liền các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa với sức gió vẫn mạnh nhất cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15km/h. Dự báo trong 24 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển hướng Tây Tây Nam, 10-15km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Trung tâm này cũng vừa phát đi cảnh báo mới nhất về thời tiết khu vực Hà Nội. Cụ thể, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra-đa thời tiết cho thấy vùng mây ở phía bắc hoàn lưu cơn bão vẫn tiếp tục tồn tại trên các phường, xã tại Hà Nội: xã Yên Bài, Đoài Phương, Phúc Thọ, Ba Vì, Ô Diên... và các phường Phú Thượng, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Nghĩa Đô...
Vùng mây này tiếp tục tồn tại trong vài giờ tới và có xu hướng dịch chuyển theo cơn bão. Trong 4 giờ tới, các phường thuộc nội thành Hà Nội nói trên có mưa, mưa rào và có thể có giông. Vùng mưa giông có thể mở rộng sang các phường khác thuộc nội thành Hà Nội. Trong cơn mưa có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Một số khu vực ở Ninh Bình mất điện, sóng biển Đồ Sơn đập trắng xoá bờ kè
Xã Hải Tiến (Ninh Bình) đã bị mất điện do mưa to, gió lớn. Một số thanh niên vẫn bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng đi ra đường.



Tại bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng), sóng biển cao khoảng hơn 10m, đập qua bờ kè khiến một số tuyến đường ven biển bị ngập nặng.

Thuỷ triều lên nhanh trên biển Đồng Châu, Hưng Yên
13h, gió bắt đầu thổi mạnh, sóng lớn và thuỷ triều lên nhanh ở bãi biển Đồng Châu (Hưng Yên). Các cơ sở lưu trú, cửa hàng dịch vụ đã đóng cửa. Nhiều xã ven biển cắt điện từ hôm qua để đảm bảo an toàn trong cơn bão số 3.
Clip được ghi lại tại biển Đồng Châu (Nguồn: Anh Hùng):
Bão di chuyển về phía Thanh Hoá, một mái đê sạt trượt 60m
Khu vực Thanh Hóa bắt đầu có gió giật mạnh, sóng biển cao khoảng 1m cũng liên tục xuất hiện, ghi nhận ban đầu chưa có thiệt hại về người và tài sản. Trước đó, theo thông báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, lúc 11h, tâm bão nằm trên đất liền Hưng Yên - Ninh Bình, sức gió cấp 8, đang di chuyển về phía Thanh Hóa và sẽ suy yếu thành áp thấp tại khu vực Thượng Lào.


Ông Chu Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Hoằng Châu, cho biết do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn có mưa to kèm theo gió mạnh. Vào sáng 22/7, tại khu vực cống Đồng Đền 2 đã xuất hiện hiện tượng sạt trượt mái đê sông Cung với chiều dài khoảng hơn 60m.


Ngay sau khi phát hiện sự cố, chính quyền xã Hoằng Châu đã chỉ đạo các lực lượng chuyên môn kiểm tra, huy động nhân lực và vật tư để xử lý tại khu vực bị sạt. Ông Đoàn thông tin thêm: “Công tác gia cố và khắc phục sạt trượt cơ bản đã hoàn thành. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục gia cố từng đoạn đê bị ảnh hưởng để bảo vệ khu dân cư phía trong”.
Hà Nội mưa lớn kèm gió giật mạnh
12h, tại Hà Nội có mưa to kèm gió giật mạnh. Ghi nhận trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Ngã Tư Sở) có nhiều biển quảng cáo bị rách.


Nghệ An: Đoàn công tác chống bão suýt bị đá lớn lăn trúng
Tại tỉnh Nghệ An xảy ra mưa lớn từ sáng sớm, nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại một số xã như một số xã miền núi Nhôn Mai, Mường Típ…
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã huy động tối đa quân số, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, đồng thời, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống cho các hộ dân đã được di dời ở xã Nhôn Mai.
Cũng trong sáng nay, đoàn công tác của xã biên giới Mường Típ đi khảo sát và thực hiện cảnh báo nguy cơ sạt lở trên tuyến đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền. Trong quá trình đi bộ khảo sát, một lượng đá lăn trên núi xuống, suýt rơi trúng người các lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
Thanh Hóa: Phố biến thành sông, dân đẩy ô tô trong mưa bão
10h20, mưa lớn kéo dài ở Thanh Hóa đã gây ngập cục bộ tại nhiều tuyến đường tại 1 số phường trung tâm và các xã ven biển, nhiều phương tiện bị chết máy.
Tại xã Hoằng Tiến, nước đã dâng ngập các tuyến đường ven biển, có nguy cơ tràn vào nhà dân.


Sóng đánh dữ dội ở Quất Lâm, dân liều mình đứng chụp ảnh
10h15, khi bão số 3 vào đất liền, dọc tuyến đê biển Quất Lâm (xã Giao Ninh), liên tiếp những đợt sóng dựng đứng cao hàng mét, cuồn cuộn dội vào bờ, tung bọt trắng xóa. Tại đây, mặc cho cảnh báo về nguy cơ mất an toàn, một số người dân vẫn vô tư đứng trên đê xem sóng và tranh thủ chụp ảnh, quay video.

Biển Đồ Sơn sóng đánh dữ dội, bờ kè bị vỡ
Vào lúc 9h45, sóng biển Đồ Sơn (Hải Phòng) cao vượt bờ kè. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, một phần bờ kè biển Đồ Sơn bị vỡ sau những cơn sóng lớn.


Quảng Ninh: Nhiều ô kính bảo tàng bị vỡ, rào tôn đổ rạp
9h10, ghi nhận của PV VietNamNet tại Quảng Ninh cho thấy, tại khu vực Bảo tàng Quảng Ninh có một vài ô kính bị vỡ, rào tôn đổ rạp do ảnh hưởng của bão số 3.



Hà Nội sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm
Trước dự báo ảnh hưởng của bão số 3, UBND TP Hà Nội đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các địa phương và đơn vị chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Theo đó, các xã, phường cần rà soát, gia cố cơ sở vật chất, trực ban 24/24 giờ và cập nhật bản tin dự báo để hướng dẫn người dân phòng tránh. Các địa phương phải sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm (nhà yếu, sạt lở, ngập sâu) và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ”.
UBND thành phố cũng yêu cầu gia cố nhà xưởng, hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng khắc phục sự cố. Việc kiểm soát giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian mưa bão là cần thiết, đồng thời cắm biển cảnh báo và chốt trực 24/24 giờ tại các điểm xung yếu.

Do mưa lớn và gió giật mạnh từ sáng 22/7, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, Phòng CSGT Hà Nội khuyến cáo người dân hạn chế ra đường nếu không thực sự cần thiết. Đơn vị này đã xử lý cây đổ trên Đại lộ Thăng Long để đảm bảo thông suốt.
Khi lưu thông, người dân cần giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, bật đèn và quan sát kỹ. Đặc biệt, không trú mưa dưới gốc cây, gần cột điện, biển quảng cáo hoặc nơi có nguy cơ sạt lở. Người đi xe máy nên mặc áo mưa gọn gàng để tránh che khuất tầm nhìn và bị gió tạt gây nguy hiểm.
Ninh Bình gió giật mạnh, mái tôn bị hất văng
9h30, tại khu vực tuyến đê Bình Minh 2, xã Kim Đông (Ninh Bình) có mưa lớn, kèm gió giật mạnh từng cơn cấp 7-8 khiến nhiều cây cối đổ rạp, xiêu vẹo.
Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình cắt cử lực lượng chốt chặn 24/24 ở các đường ngang chạy ra tuyến đê Bình Minh 3, 4 và khu nuôi trồng thủy sản để ngăn người dân ra khu vực nguy hiểm này.

Hiện nay, nước ở bên trong cống ở đê Bình Minh 2 đang dâng cao do nước từ khu dân cư đổ về đây nhiều.
Còn tại khu vực quảng trường Đinh Tiên Hoàng, phường Hoa Lư nhiều cây xanh mới trồng bị gió quật ngã, nhiều cây lớn bị bật gốc chắn ngang đường. Lực lượng chức năng tại chỗ được huy động để khắc phục.
Tại Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình, một mái tôn nhà để xe của nhân viên bị gió thổi bay. Rất may không gây thiệt hại về người. Cũng tại khuôn viên bệnh viện một cây xanh bị gió thổi làm bật gốc đổ đè lên một chiếc xe ô tô con


Tại xã Phát Diệm, lực lượng chức năng khẩn trương sử dụng máy móc để khơi thông dòng chảy tại tuyến phố Phát Diệm Tây. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, đoạn đường dài 500m này đang ngập sâu trong biển nước, mực nước dao động từ 30-50cm.
Nhiều hộ dân hai bên đường buộc phải đóng chặt cửa để ngăn nước tràn vào nhà. Đáng chú ý, người dân địa phương còn bất ngờ bắt được một con cá trê nặng khoảng 10kg ngay trên tuyến phố đang ngập sâu, cho thấy tình hình ngập lụt diễn biến phức tạp tại khu vực này.


Quảng Ninh: Gió mạnh dần lên
Tại khu vực biển Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh), gió bắt đầu to và giật mạnh liên hồi. (Video: Phạm Công)

Quảng Ninh: Mưa to, gió lớn
Rạng sáng nay, từ 1h-4h, khu vực ven biển Quảng Ninh mưa to, gió lớn. Hiện, chỉ còn mưa nhỏ và trời lặng gió. Bầu trời xám xịt và mù.


Đến 8h, đường Hạ Long, phường Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh gió nhẹ, phương tiện vẫn đi lại bình thường.
Thanh Hóa: Mưa xối xả, người dân ven biển không ai ra khỏi nhà
Sáng nay, mưa xối xả, trời tối đen, người dân ven biển ở Thanh Hoá không ai ra khỏi nhà. Nhiều người phải dùng những khúc gỗ to để gia cố khu vực mình ở. Ông Đỗ Lường Nghiêm (xã Hoằng Thanh, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, chưa năm nào thấy cơn bão dị thường như năm nay. Thông thường trước khi bão đổ bộ trời sẽ ngớt mưa, quang mây và ít gió.

Đồ Sơn (Hải Phòng: Lập chốt, hạn chế người dân ra biển
Khu vực ven biển Đồ Sơn, từ sáng nay, bắt đầu có gió mạnh. Các trường học, điểm du lịch và dịch vụ ven biển đã tạm ngừng hoạt động. Lực lượng chức năng cũng đã lập chốt cấm biển từ chiều 21/7. Gió giật mạnh khiến nhiều cây cối và biển quảng cáo gãy đổ từ sáng sớm. Người dân tranh thủ gia cố lại nhà cửa và các công trình trước thời điểm bão vào.




Ninh Bình: Mưa to, nhiều cây xanh bị quật đổ
Sáng nay, nhiều nơi tại Ninh Bình xuất hiện mưa lớn, gió mạnh. Trên một số tuyến đường, cây xanh bị quật đổ. Tại khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Ninh Cơ, hàng trăm tàu cá đã vào nơi tránh trú an toàn.

Tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các xã, phường thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để chủ động phòng tránh, khắc phục kịp thời khi có tình huống xảy ra.



Anh Trần Trung Kiên (trú tại xã Hải Tiến, tỉnh Ninh Bình) cho biết, dù tàu của anh đã neo đậu, chằng néo xong từ hôm qua (21/7) nhưng gió lớn, anh vẫn liên tục ra kiểm tra, gia cố thêm dây neo để phòng trường hợp gió giật đứt neo.
