
Được phê duyệt từ tháng 2/2022, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Trong kết luận hội nghị toàn quốc tổng kết 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 được tổ chức hồi trung tuần tháng 6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá, cùng với chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đã cơ bản đạt và vượt các mục tiêu được giao thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.


Cụ thể, đến cuối tháng 6/2025, hơn 79% xã trên cả nước đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 10,6% so với thời điểm cuối năm 2021 và cơ bản hoàn thành mục tiêu được giao của cả giai đoạn 2021 – 2025; trong đó, trên 42% xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là 12,3%, đều vượt mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025 được giao. Đặc biệt, thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2024 đã đạt 54 triệu đồng/người/năm, tăng 1,3 lần so với năm 2020.
Theo Thủ tướng Chính phủ, những kết quả đạt được của 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đã góp phần cơ cấu lại, phát triển kinh tế đất nước theo hướng nhanh, bền vững; cơ sở hạ tầng, diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên toàn diện; đưa Việt Nam trở thành hình mẫu thế giới về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có giảm nghèo, phát triển nông thôn.
Các bài học kinh nghiệm đã được đúc rút ra từ quá trình triển khai 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới gồm: Sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đóng vai trò quyết định để đạt được những thành công của chương trình thời gian qua; Sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị cùng sự hợp tác của bạn bè quốc tế; Phát huy được sức mạnh tổng hợp trong mối quan hệ giữa phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; Phát huy nguồn lực thiên nhiên, nền văn hóa, văn minh lúa nước và phát huy nguồn lực con người, sự tham gia của người dân.
Ở góc độ của một tổ chức phi chính phủ đã tham gia đồng hành cùng chính quyền các địa phương trong hành trình phát triển nông thôn mới, giảm nghèo bền vững cho người dân vùng khó khăn, Habitat Việt Nam nhận xét: Hơn 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã có sự quan tâm mạnh mẽ cho phát triển khu vực nông thôn, với nhiều sáng kiến cải thiện cơ sở hạ tầng, điều kiện sống và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản cho người dân.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet về vai trò của chuyển đổi số trong việc rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, bà Bells Borja, Giám đốc Habitat Việt Nam chia sẻ: Công nghệ và chuyển đổi số đang chứng minh vai trò là công cụ đẩy nhanh tiến trình hướng tới phát triển bền vững và toàn diện của Việt Nam. Chuyển đổi số còn là "cây cầu" kết nối các cộng đồng nông thôn với những cơ hội, nguồn lực ngoài tầm với.
“Từ việc sử dụng bản đồ số, đánh giá nhu cầu nhà ở, đến các công cụ giám sát từ xa, nền tảng kỹ thuật số theo dõi tiến độ xây dựng và thúc đẩy việc giám sát chất lượng công trình…, công nghệ số đang trao quyền dẫn dắt cho cộng đồng và giúp đẩy nhanh, nâng cao hiệu quả rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị”, bà Bells Borja nhận xét.

Giám đốc Habitat Việt Nam cũng đánh giá cao các chính sách tiên tiến của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy số hóa tại nông thôn, bao gồm phổ cập Internet, số hóa dịch vụ công và tăng cường năng lực số cho người dân. Điều này đặc biệt quan trọng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa - nơi các công cụ số thiết thực có thể cung cấp thông tin, cải thiện khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ nhà ở, và tăng cường khả năng ứng phó khí hậu qua hệ thống cảnh báo sớm.
Bà Bells Borja chia sẻ thêm: “Chiến lược của chúng tôi là tiếp tục hợp tác với chính quyền địa phương, các đối tác công nghệ và cộng đồng để áp dụng các giải pháp số phù hợp, toàn diện và xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân”.
Nói về kế hoạch giai đoạn tới của tổ chức mình tại Việt Nam, bà Bells Borja cho hay, đồng bộ với chiến lược của Habitat for Humanity khu vực châu Á – Thái Bình Dương và định hướng của Chính phủ Việt Nam về nhà ở và phát triển nông thôn mới, Habitat Việt Nam đã xây dựng chiến lược, cam kết đóng góp để xây nhiều nhà hơn, an toàn hơn, tích hợp với năng lượng xanh và tăng khả năng chống chịu với thiên tai.
Bên cạnh đó, Habitat Việt Nam cũng đặt mục tiêu tiếp tục góp phần cải cách hệ thống nhà ở tại Việt Nam thông qua các giải pháp tiếp cận tài chính, huy động nguồn lực các bên và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề nhà ở bền vững.
“Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không thể làm điều này một mình. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, các nhà tài trợ, doanh nghiệp tư nhân và sự tham gia từ chính cộng đồng, để cùng nhau đảm bảo rằng mọi người dân Việt Nam đều có một nơi ở an toàn, bền vững với giá cả phải chăng”, bà Bells Borja nói.
