
Được thành lập năm 1976, Habitat for Humanity hiện là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực nhà ở tại hơn 70 quốc gia, hỗ trợ hơn 62 triệu người tiếp cận với nơi ở an toàn trên toàn cầu. Habitat for Humanity Vietnam (Habitat Việt Nam) chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2001. Phóng viên VietNamNet vừa có cuộc trao đổi với bà Bells Borja, Giám đốc Habitat Việt Nam về những thay đổi của khu vực nông thôn Việt Nam trong hành trình hơn 2 thập kỷ vừa qua.

Phóng viên: Qua 23 năm hoạt động tại Việt Nam, Habitat Việt Nam nhận định ra sao về sự quan tâm, các định hướng chính sách và những thay đổi của khu vực nông thôn?
Bà Bells Borja, Giám đốc Habitat Việt Nam: Trong suốt 23 năm hoạt động tại Việt Nam, Habitat Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của các khu vực nông thôn trên khắp cả nước. Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm mạnh mẽ và định hướng chiến lược mà Chính phủ tập trung cho phát triển nông thôn, góp phần xây dựng các cộng đồng ngày càng vững mạnh.
Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các chính sách được triển khai một cách có mục tiêu, đặc biệt phù hợp với các mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển nông thôn và thích ứng biến đổi khí hậu. Những sáng kiến này đã cải thiện đáng kể điều kiện sống, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản cho nhiều cộng đồng.
Chúng tôi nhận thấy còn nhiều nỗ lực và sự hợp tác cần triển khai để tiếp tục hỗ trợ các hộ gia đình nông thôn, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương như đồng bào dân tộc thiểu số, lao động phi chính thức. Habitat Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác với các cơ quan chính phủ, đối tác địa phương và cộng đồng để tiếp tục hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo mọi gia đình đều có một nơi ở an toàn, vững chắc với giá cả phải chăng.
So với thời điểm cách đây hơn 20 năm, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn tại Việt Nam đã được rút ngắn ra sao, thưa bà?
Trong hơn 2 thập kỷ qua, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn tại Việt Nam đã được thu hẹp đáng kể. Với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, các cộng đồng nông thôn đã được tiếp cận tốt hơn với các hạ tầng thiết yếu, y tế, giáo dục và nhà ở. Những chính sách này đặc biệt mang lại hiệu quả rõ rệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo, nơi từng gặp nhiều khó khăn nhất. Những con đường giờ đây đã nối liền tới các thôn bản, trường học và trạm y tế đã được xây dựng tại cả những vùng sâu, vùng xa nhằm đảm bảo các dịch vụ cơ bản cho người dân.

Minh chứng cho thấy, với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc triển khai 2 phong trào lớn “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta đã chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc trong phát triển nông thôn. Theo báo cáo tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia, đến tháng 6/2025, có 6.084 xã trên cả nước đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 10,63% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93% vào năm 2024; gần 90.000 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở bền vững; hơn 134.000 lao động được kết nối việc làm...
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là, khi mức sống tiếp tục được cải thiện và nhu cầu ngày càng đa dạng, nhiều thách thức mới lại xuất hiện như: Nhu cầu về nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, tối giản các quy trình thủ tục hành chính và đảm bảo điều kiện pháp lý về sử dụng đất cho người dân, nhu cầu về các hình thức hỗ trợ tài chính phù hợp với sinh kế của các cộng đồng vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số… Đây không chỉ là nhu cầu phát triển, mà còn là cơ hội để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn giữa các bên chính phủ, tư nhân và xã hội.
Xin bà cho biết thời gian qua, Habitat Việt Nam đã có những hoạt động gì để tham gia đồng hành, hỗ trợ cộng đồng địa phương, người dân tộc thiểu số và nhóm người yếu thế tại vùng khó khăn?
Chúng tôi tin rằng nhà ở không chỉ là một mái che, mà là nền tảng của sức khỏe, sự an toàn, giáo dục và cơ hội phát triển kinh tế. Đặc biệt với các gia đình dân tộc thiểu số, một mái ấm còn là điều kiện tiên quyết để vượt qua các rào cản, hướng tới cuộc sống ổn định và sự phát triển bền vững.
Vì thế, trong 23 năm qua, Habitat Việt Nam đã đồng hành cùng các cộng đồng địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương trong việc xây dựng cuộc sống an toàn, bền vững hơn qua các giải pháp nhà ở. Hoạt động của chúng tôi đã vươn đến các khu vực khó khăn nhất của đất nước, từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến vùng đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị ngập lụt. Cùng với chính quyền và các đối tác địa phương, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng hơn 19.000 mái ấm, bao gồm cải thiện điều kiện nhà ở, nguồn nước sạch, xây dựng các nhà vệ sinh, tập huấn về các giải pháp an toàn giảm thiểu rủi ro thiên tai, vật liệu nhà ở bền vững và cả tài chính cá nhân…
Giai đoạn 2021 – 2025, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia, Habitat Việt Nam đã hỗ trợ xây mới và cải thiện nhà ở cho 3.539 hộ gia đình, xây hơn 1.100 nhà vệ sinh và hơn 30 các nhà văn hóa phục vụ các cộng đồng dân tộc người thiểu số, các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương tại vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi cũng tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao nhận thức nhà ở an toàn, ứng phó với thiên tai, sử dụng vật liệu xây dựng an toàn, bền vững tới hơn 7.000 người dân.

Bên cạnh việc xây nhà, một trong những sáng kiến thành công của Habitat là chương trình tài chính vi mô. Chương trình này giúp các hộ gia đình có thu nhập thấp, không tiếp cận được nguồn vay từ ngân hàng, có thể nhận được khoản vay phù hợp từ các đối tác là các doanh nghiệp và nhà tài trợ. Khoản vay sau đó được hoàn trả và xoay vòng để hỗ trợ các hộ gia đình khác.
Thực tế triển khai, sáng kiến này không chỉ giúp các hộ gia đình nghèo tiếp cận tài chính mà còn đảm bảo nơi ở an toàn, bền vững, giá cả phải chăng khi sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Từ năm 2001 đến 2025, chương trình đã hỗ trợ 16.075 hộ gia đình với tổng giá trị tài chính hơn 126,7 tỷ đồng. Chúng tôi đánh giá chương trình này có tiềm năng lớn để mở rộng và tác động tới hệ thống tài chính nhà ở tại Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!
