Đại hội cũng thể hiện rõ định hướng tăng cường sự thống nhất trong chỉ đạo, nâng cao hiệu quả chính sách, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Dấu mốc lịch sử trên nền tảng kế thừa và hội tụ

Việc tổ chức Đại hội lần thứ I Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo là một dấu mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và công tác tôn giáo. Đại hội không chỉ khởi đầu cho một giai đoạn tổ chức mới mà còn kế thừa toàn diện những kết quả, kinh nghiệm quý báu của Đảng bộ Ủy ban Dân tộc trong nhiều nhiệm kỳ qua, nơi đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, góp phần bảo đảm chính sách dân tộc được triển khai sâu rộng, sát thực tiễn và giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Thứ trưởng Y vinh.jpg
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr (nay là Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo) kiểm tra dự án công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 tại xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai (nay là xã Ia Khươl, tỉnh Gia Lai)

Trên nền tảng vững chắc đó, Đại hội lần thứ I được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt: Công tác dân tộc và công tác tôn giáo trước đây do 2 cơ quan chuyên trách đảm nhiệm nay được đặt dưới sự quản lý thống nhất trong một bộ mới, với yêu cầu cao hơn về sự phối hợp, đồng bộ và liên thông. Điều này đặt ra yêu cầu chuyển biến không chỉ về tổ chức mà cả về tư duy lãnh đạo. Từ mô hình quản lý riêng biệt nay đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể, thống nhất mục tiêu, phối hợp chặt chẽ về phương pháp và triển khai thực hiện.

Trên thực tế, nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đông đảo đồng bào DTTS cũng là nơi có đời sống tôn giáo phong phú và đa dạng. Nếu tiếp cận các lĩnh vực này một cách tách rời, chính sách dễ rơi vào tình trạng phân tán, thiếu tính liên kết. Ngược lại, sự phối hợp thống nhất sẽ giúp nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện chính sách, tăng khả năng phản ứng với tình huống thực tiễn, đồng thời tạo nền tảng cho sự đồng thuận xã hội. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức mới, như thông tin xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, chống phá chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước…

Bởi vậy, Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ I không chỉ là yêu cầu về tổ chức bộ máy, mà còn là bước đi có ý nghĩa chiến lược trong việc hình thành một mô hình quản lý hiện đại, phù hợp với thực tiễn, sát với địa bàn, gắn với đời sống của nhân dân. Đây là dịp để khẳng định vai trò, vị thế của Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong hệ thống chính trị ở giai đoạn phát triển mới; là nơi tập hợp trí tuệ, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, công tác tôn giáo trên phạm vi cả nước.

Đặt nền tảng cho tương lai

Trong kỷ nguyên phát triển mới, khi dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ để khẳng định vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế, yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và thống nhất đối với công tác dân tộc và tôn giáo không chỉ là đòi hỏi cấp thiết trước mắt mà còn là bước đi chiến lược để tạo dựng thế ổn định lâu dài, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền, các cộng đồng, giữa truyền thống và hiện đại, giữa niềm tin và pháp luật.

Mọi công việc muốn trôi chảy, muốn đạt hiệu quả phải bắt đầu từ chính cơ quan Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Nếu cơ quan tham mưu làm không tốt, chúng ta sẽ làm ảnh hưởng tới địa phương. Vì vậy, Bộ Dân tộc và Tôn giáo phải đoàn kết, vững mạnh, nâng cao chất lượng hiệu năng, hiệu quả công việc. Tăng cường, phát huy vai trò của người đứng đầu, đề cao năng lực cá nhân, khả năng tổ chức công việc. Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung

Trên cơ sở kế thừa thành quả của Đảng bộ Ủy ban Dân tộc và tiếp nhận nhiệm vụ mới, Đại hội sẽ đặt nền móng cho việc xây dựng một tổ chức Đảng có khả năng dẫn dắt toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của hai lĩnh vực, hướng tới mục tiêu ổn định, phát triển và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Điểm nhấn của giai đoạn mới khi cả nước tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp (từ ngày 1/7) là yêu cầu đổi mới phương pháp lãnh đạo và cách tiếp cận trong quản lý: không chỉ dừng lại ở chức năng điều hành, mà còn phải kết nối sâu với cơ sở; không chỉ “xây dựng chính sách”, mà còn lắng nghe, đồng hành và thấu hiểu đời sống của người dân. Tổ chức Đảng cấp bộ cần đóng vai trò trung tâm trong tiến trình hiện đại hóa công tác dân tộc, tôn giáo, từ việc ứng dụng công nghệ, số hóa thông tin, đến xây dựng đội ngũ cán bộ am hiểu địa bàn, thấm đẫm văn hóa bản địa, đủ năng lực tuyên truyền, vận động và tạo dựng niềm tin của đồng bào các dân tộc.

Đây cũng là lúc tiếp tục khẳng định định hướng rõ ràng: Tổ chức Đảng cần gắn bó chặt chẽ với thực tiễn, để mọi quyết sách đều xuất phát từ yêu cầu cụ thể của đồng bào, từ niềm tin, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa, cho đến nhu cầu vươn lên, hội nhập, sống hài hòa giữa đạo và đời, giữa truyền thống và pháp luật. Đó chính là nền tảng để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội và phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Thứ trưởng Y vinh 2.jpg
Từ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng phát triển bền vững

Do đó, Đại hội lần thứ I không chỉ đánh dấu một giai đoạn tổ chức mới mà còn khơi dậy một niềm tin chính trị mới, rằng công tác dân tộc, tôn giáo - vốn luôn được xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược - sẽ tiếp tục được củng cố và nâng cao vai trò trong toàn bộ hệ thống chính trị, như một trong những trụ cột bảo đảm phát triển bền vững, ổn định xã hội và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ dấu mốc này, một hành trình mới được mở ra, hành trình xây dựng một Đảng bộ đủ tầm nhìn để hoạch định chính sách dài hạn, gần cơ sở để cảm nhận những thay đổi nhỏ nhất từ đời sống cộng đồng; gắn bó với chức sắc, già làng, người có uy tín; phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ toàn ngành trong việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chính vì thế, “Đồng hành cùng dân tộc - Hòa hợp cùng tôn giáo - Kiến tạo phát triển bền vững” sẽ là tinh thần và lời cam kết chính trị rõ ràng của một tổ chức Đảng đang bước vào giai đoạn mới, với sự tin tưởng và kỳ vọng lớn lao từ Đảng, Nhà nước và đồng bào các dân tộc Việt Nam.

'Chạm vào vùng lõi' - Khi chính sách đánh thức niềm tin!
Trong hành trình phát triển đất nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi – nơi không chỉ chứa đựng sự đa dạng văn hóa, mà còn chất chứa khát vọng vươn lên giữa muôn trùng gian khó luôn được đặt vào trung tâm của những chính sách phát triển.