Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn ghi nhận, đánh giá cao vai trò, những đóng góp to lớn của kiều bào đối với quá trình phát triển đất nước và dành sự quan tâm sâu sắc. Nổi bật là Nghị quyết 36-NQ/TW (26/3/2004) của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Xác định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời, một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, Nghị quyết đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

Không chỉ là đối tượng thụ hưởng các chủ trương, chính sách, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tích cực ủng hộ và triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW. Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò nòng cốt trong việc quy tụ, hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống ở sở tại và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về quê hương, đất nước.
Là kim chỉ nam cho công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra các nhệm vụ chủ yếu hỗ trợ cộng đồng, trong đó có gìn giữ văn hóa và tiếng Việt. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ dân tộc, thúc đẩy giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030. Đề án nhận được sự hưởng ứng với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú và thực chất, bước đầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh xây dựng các tủ sách tiếng Việt, Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển phong trào dạy tiếng Việt miễn phí tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở Lào, Đài Loan (Trung Quốc), tiếng Việt được đưa vào giảng dạy trong nhà trường như ngôn ngữ thứ 2. Phong trào học, sử dụng tiếng Việt giúp thế hệ kiều bào trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài gắn bó, hiểu biết hơn về quê hương, nguồn cội.
Hàng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở nước ngoài.
Tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, sau 11 năm triển khai, khoá tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt đã thu hút sự tham dự của gần 900 giáo viên, tình nguyện viên đến từ nhiều nước cho thấy nhu cầu dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ta ở nước ngoài rất lớn. Hoạt động này đóng góp tích cực vào việc phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trường đã triển khai nhiều dự án nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ dân tộc.
Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài biến những bài học thành công cụ của nhà thực hành, bồi đắp lòng yêu mến tiếng Việt và niềm tin vào giá trị trường tồn của tiếng Việt đối với kiều bào xa xứ tham gia khóa học.
Các thầy cô giáo không chỉ được trang bị phương pháp dạy tiếng Việt hiệu quả cho người nước ngoài, thực hành kỹ năng giảng dạy, mà còn được trau dồi thêm nhiều kiến thức bổ ích về văn hoá, lịch sử Việt Nam cũng như sự giàu đẹp trong ngôn ngữ dân tộc thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các địa danh, di tích lịch sử.
Giảng viên các khóa tập huấn là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngữ văn, khoa học xã hội, khoa học nhân văn. Đây cũng là đội ngũ nhà khoa học, nhà giáo trụ cột của Đề án Nhà nước "Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài”, góp phần vận hành “Kênh dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” ra mắt từ năm 2022 và hiện phục vụ hàng trăm kiều bào mỗi năm thuộc 25 quốc gia trên thế giới.