Ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) từng cho hay, nhân lực về an toàn an ninh mạng đang rất thiếu hụt. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thông tin, chuyển đổi số, kỹ thuật số… ngày càng bùng nổ. Các cuộc tấn công mạng có tính chất ngày càng phức tạp, tinh vi cũng như mức độ phá hoại ngày càng cao.

Dó đó, để đảm bảo an toàn thông tin, nguồn nhân lực là vấn đề then chốt. Tuy nhiên, hầu như các cơ quan, tổ chức nhà nước ở địa phương chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin, chủ yếu là nhân viên phụ trách công nghệ thông đảm nhận.

Theo các chuyên gia bảo mật, trong bối cảnh chuyển giao sang nền công nghiệp 4.0 và xu hướng số hóa phát triển mạnh mẽ, không riêng gì các doanh nghiệp liên quan CNTT mới cần kỹ sư công nghệ, mà bất cứ doanh nghiệp sử dụng những công cụ hoặc sản phẩm dịch vụ có liên quan nền tảng công nghệ, đều cần một đội ngũ kỹ sư công nghệ để duy trì, phát triển, bảo mật... cho công ty.

Các vị trí đang thiếu hụt, cần tuyển dụng như: giám sát sự cố an ninh mạng; phân tích sự cố; chuyên gia tìm lỗ hổng. Trong đó, đội ngũ giám sát hệ thống an ninh mạng thiếu nhiều nhất, hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần.

Nhân lực về an toàn an ninh mạng đang rất thiếu hụt.

Thống kê của Cục An toàn thông tin trong năm 2022, tổng số vụ tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 12.195, tăng 25,3% so với năm 2021. 

Trong đó, sự cố tấn công mạng, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến nhắm trực tiếp vào người dùng cá nhân đang có xu hướng gia tăng trong những tháng đầu năm 2023. Điều này cho thấy vai trò của chuyên viên an toàn thông tin là vô cùng quan trọng. Nhu cầu nhân sự vận hành, bảo mật thông tin là tất yếu và không ngừng tăng.

Nhằm khắc phục sự thiếu hụt nhân lực, cũng như cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025". Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức Nhà nước; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về an toàn thông tin khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này; xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước.

  Mục tiêu cụ thể của Đề án sẽ tổ chức 6.000 lượt đào tạo ngắn hạn về kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin của người dùng cho các công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin khi làm việc của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Nhà nước; lựa chọn, tổ chức đào tạo 200 chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước; đưa 150 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về an toàn thông tin ở nước ngoài, trong đó có tối thiểu 70 tiến sĩ; đào tạo 5.000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin …

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chính của Đề án là đào tạo ngắn hạn về an toàn thông tin theo hình thức tập trung, trực tuyến hoặc kết hợp giữa tập trung và trực tuyến về an toàn thông tin cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về an toàn thông tin khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này.

Nội dung đào tạo gồm: Quản lý, nghiệp vụ và kỹ năng an toàn thông tin cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý; cập nhật, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật an toàn thông tin cho đội ngũ nhân lực kỹ thuật làm về an toàn thông tin và công nghệ thông tin theo chuẩn khung chương trình, yêu cầu kỹ năng an toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, các chương trình đào tạo theo chứng chỉ quốc tế và thi lấy chứng chỉ quốc tế; kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin của người dùng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin…

Ngoài ra, Đề án xây dựng hệ thống, chương trình, tài liệu để phục vụ kiểm tra, đánh giá năng lực an toàn thông tin trong quá trình đào tạo; lựa chọn một số cán bộ có kết quả học tập tốt để tham gia thi lấy chứng chỉ quốc tế…

Để đáp ứng mục tiêu đề ra,  hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban điều hành triển khai Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025. 

Ban điều hành có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, điều phối việc tổ chức triển khai Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025 theo quy định tại Quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ.

Mạnh Hưng và nhóm PV, BTV