Chiều 22/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", Phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021-2025. Hội nghị diễn ra tại Trụ sở Chính phủ, kết nối trực tuyến đến UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Xây dựng nông thôn mới không chỉ là chương trình phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là sứ mệnh văn hóa, một cuộc vận động chính trị sâu sắc, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc". 

Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay 79,3% số xã trong cả nước đã đạt chuẩn nông thôn mới, 51% đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, 12 tỉnh, thành phố đã được công nhận hoàn thành mục tiêu toàn diện. Những con số ấn tượng phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực: hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực.

W-Tổng kết nông thôn mới TW.jpg
Chương trình OCOP là một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.

Song song đó, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng ghi nhận bước tiến vượt bậc: đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93% - đạt mục tiêu đề ra; gần 90.000 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở bền vững; hơn 134.000 lao động được kết nối việc làm; hơn 10.500 mô hình sinh kế được triển khai, vượt xa mục tiêu ban đầu.

Việt Nam được Liên Hợp quốc ghi nhận là hình mẫu toàn cầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là về giảm nghèo và phát triển nông thôn.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế cần sớm khắc phục: một số địa phương vẫn có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, việc khen thưởng chưa kịp thời, chưa phát hiện và tôn vinh đầy đủ những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng chiến lược mới đến năm 2035: "Lấy nông nghiệp sinh thái – nông dân văn minh – nông thôn hiện đại làm trụ cột phát triển".

Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, Thủ tướng kêu gọi cả hệ thống chính trị triển khai “4 đẩy mạnh”: Hoàn thiện thể chế; Phát triển hạ tầng chiến lược; Xây dựng con người mới; Đa dạng hóa chuỗi giá trị.

Thủ tướng cũng kêu gọi người nông dân thực hiện “3 tiên phong”: Tiên phong thoát nghèo, làm giàu chính đáng; Tiên phong xây dựng hình ảnh người nông dân hiện đại, sống có trách nhiệm; Tiên phong sản xuất xanh, chuyển đổi số, tham gia phong trào “Bình dân học vụ số”, hướng tới công dân số.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, giai đoạn 2026–2035 sẽ tập trung phát triển nông thôn toàn diện, thích ứng với biến đổi khí hậu, trên nền tảng công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Một số mục tiêu cụ thể được đặt ra: Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020; ít nhất 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2035, 90% xã đạt chuẩn, trong đó 25% đạt chuẩn nông thôn hiện đại; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 1%.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng xác định 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đáng chú ý là chuyển trọng tâm từ đầu tư “hạ tầng cứng” sang “hạ tầng con người”. 

Thông tin từ hội nghị cho biết, tổng nguồn lực huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới đến hết tháng 5/2025 ước đạt 3,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 8,8%, còn lại đến từ tín dụng, xã hội hóa và người dân. Chương trình giảm nghèo bền vững cũng đạt tỷ lệ giải ngân gần 80%, triển khai hiệu quả trên mọi vùng miền.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng khẳng định quyết tâm chính trị: “Không đánh đổi môi trường và an sinh để lấy tăng trưởng. Người dân phải thực sự cảm nhận được thành quả - không chỉ là lời hứa, mà là hành động cụ thể, có thể đo đếm”.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu tích hợp hai chương trình mục tiêu quốc gia - xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để tránh phân mảnh nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo ra các giá trị thực chất, bền vững và bao trùm.