Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Hoa Kỳ, trong đó có xe ô tô phân khối lớn. Ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên. 

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị phía Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường và bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump cũng đã trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong những năm tới. Hai nhà Lãnh đạo đã thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt, đột phá như khoa học, công nghệ cao.

tong bi thu 107885.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN

Trong bài đăng trên mạng xã hội sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố mức thuế 20% đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, mức thuế 40% đối với hàng hóa bị coi là “trung chuyển”, trong khi các sản phẩm của Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%.

Với gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Hoa Kỳ. Mức thuế quan mới này sẽ tác động ra sao đối với kinh tế Việt Nam tới đây?

Thuế 20% đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam

Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là dệt may, da giày và điện tử, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, cần được theo dõi sát sao thêm.

Mức thuế 20% được Tổng thống Trump mô tả là "công bằng và cần thiết để bảo vệ công nhân Mỹ". Mặc dù mức này đã giảm đáng kể so với mức 46% từng được đưa ra trước đó, đây vẫn là một con số có thể là chấp nhận được so với khu vực. 

Chính sách "thuế đối ứng" của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đang tạo ra bức tranh thuế quan đa dạng và phức tạp trên toàn khu vực ASEAN.

0c15c0d8 3638 44f1 90a7 7332aaaf3087.jpeg

Ghi chú: Các mức thuế này là một phần của chính sách thuế quan "đối ứng" của chính quyền Tổng thống Trump và có thể thay đổi dựa trên các cuộc đàm phán song phương và diễn biến kinh tế - chính trị. Ngoài các mức thuế "đối ứng" cụ thể, Hoa Kỳ cũng đã áp dụng một mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ các quốc gia, và các mức thuế đối ứng cao hơn sẽ được áp dụng bổ sung nếu có.

Thuế 40% đối với hàng hóa "trung chuyển" 

Đây là điểm đáng chú ý nhất trong thỏa thuận. Hàng hóa bị nghi ngờ là "trung chuyển" – tức hàng nước ngoài chỉ được đóng gói, thay nhãn mác tại Việt Nam rồi xuất khẩu đi Mỹ – sẽ chịu mức thuế cao kỷ lục 40%. 

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Lutnick từng cảnh báo về tình trạng “trung chuyển” trong một phiên điều trần trước đây ở Thượng viện Hoa Kỳ. 

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều dấu hỏi về tiêu chí cụ thể để xác định "hàng chuyển tải". Liệu 20%, 30% hay 50% linh kiện nước ngoài trong một sản phẩm có bị coi là vi phạm? 

Tuy nhiên, cho đến khi có hướng dẫn cụ thể, rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ sẽ là gánh nặng không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Ưu đãi thuế 0% cho hàng hóa Mỹ vào Việt Nam 

Tổng thống Trump cũng tuyên bố hàng hóa Mỹ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh đến xe điện và xe xăng. Nếu điều khoản này trở thành hiện thực, nó sẽ tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội cho các hãng Mỹ như Tesla, Ford… và khiến các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là VinFast, rơi vào thế bất lợi. 

Ô tô – Xe điện – Phụ tùng: Đây sẽ là ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Xe điện Mỹ (Tesla, Rivian) và xe xăng (Ford, Chevrolet) được miễn thuế khi vào Việt Nam sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt.

Công nghệ – Điện tử tiêu dùng: Mỹ có lợi thế ở các thiết bị điện tử cao cấp như chip, server, máy tính chuyên dụng (Apple, HP, Dell). Doanh nghiệp Việt Nam làm hàng OEM hoặc lắp ráp điện tử cho Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng vì hàng Mỹ chính hãng có thể vào với giá rẻ hơn.

Nông nghiệp công nghệ cao & Chế biến thực phẩm: Mỹ là cường quốc nông nghiệp, các sản phẩm như thịt bò, gà đông lạnh, ngô, đậu nành, sữa, thực phẩm chế biến sẵn của Mỹ có thể được đẩy mạnh vào thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp nội địa như TH, Vinamilk, Masan, Ba Huân… sẽ chịu cạnh tranh trực tiếp.

Bán lẻ & Thương mại điện tử: Các ông lớn như Amazon, Walmart và các nhà cung cấp hàng tiêu dùng Mỹ có thể xâm nhập sâu hơn vào chuỗi phân phối Việt Nam nếu không bị rào cản thuế. Doanh nghiệp bán lẻ trong nước như Co.opmart, Bách Hóa Xanh hoặc các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo sẽ bị cạnh tranh gay gắt nếu hàng nhập khẩu Mỹ len lỏi trực tiếp đến tay người dùng.

Tóm lại, mức thuế 0% có nghĩa Việt Nam mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ vừa mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, tạo ra cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp sản xuất.

Một số điểm chưa rõ ràng

Tuy vậy, sẽ cần thêm thời gian để làm rõ thêm các nội dung vừa công bố:

Mức thuế 20% sẽ áp dụng cho tất cả hàng không phải “trung chuyển” hay có ngoại lệ?

Hàng “trung chuyển” sẽ sử dụng cơ sở nào để xác định, tỷ lệ bao nhiêu linh kiện sẽ bị coi là vi phạm?

Ngoài thuế đối ứng, liệu thỏa thuận này đã bao gồm khuôn khổ cho các loại thuế khác như VAT và cách rào cản thị trường?

Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán Mỹ và các đối tác niêm yết của Việt Nam phản ứng tích cực, ví dụ cổ phiếu Nike hôm qua, cho thấy họ lạc quan về thỏa thuận này. 

So sánh với một các quốc gia khác trong khu vực, mức thuế 20% không phải là quá tệ. Ở khía cạnh nào đó, mức thuế này sẽ giúp từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế điều chỉnh lại để nâng cao năng lực sản xuất và vươn lên trên các công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị, thay vì làm thuê, làm mướn ở khâu gia công, lắp ráp như lâu nay.