Khi thể chế chuyển động
Tại Hội thảo “Thể chế, quy hoạch – Cơ hội cho phát triển kinh tế biển xanh” diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phát triển kinh tế biển là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững đất nước.
Từ Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đến các chính sách cụ thể gần đây, một bức tranh tổng thể đang dần hình thành, mở ra những cơ hội lớn chưa từng có.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, năm 2025 đánh dấu một giai đoạn bản lề với nhiều chuyển động quan trọng trong thể chế, chính sách và quy hoạch liên quan đến kinh tế biển. Trong đó, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Đây là bước đi mang tính cải cách hành chính sâu rộng, tác động trực tiếp tới quản trị biển và không gian phát triển ven biển.
Một bước tiến đáng chú ý là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2025/NĐ-CP, văn bản pháp lý đầu tiên tháo gỡ rào cản trong khai thác không gian biển, đặc biệt trong phát triển điện gió ngoài khơi. “Nghị định này không chỉ mở đường cho năng lượng tái tạo trên biển, mà còn tạo khuôn khổ để các ngành khác như thủy sản, logistics và du lịch biển cùng phát triển”, Thứ trưởng nhận định.

Không gian biển mới đang dần hình thành
Việc triển khai đồng bộ Quy hoạch không gian biển quốc gia, cùng với các quy hoạch chuyên ngành như thủy sản, điện lực, năng lượng tái tạo... cần được đặt trong một tầm nhìn dài hạn, tích hợp, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển bền vững và chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Theo đó, việc triển khai quy hoạch phải đảm bảo tính liên kết vùng, liên ngành và bám sát định hướng lớn từ Trung ương. Các quy hoạch chuyên ngành như điện lực, thủy sản, hạ tầng cảng biển... cần được tích hợp hiệu quả.
GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, Quy hoạch không gian biển quốc gia là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một quy hoạch cấp quốc gia mang tính tích hợp, đa ngành và tổng thể nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ vùng đất ven biển thuộc 28 tỉnh, thành phố có biển; các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam, tuân thủ pháp luật quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Quy hoạch hướng tới phát triển bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ hệ sinh thái biển, bảo tồn giá trị văn hóa, đồng thời ưu tiên phát triển 6 ngành kinh tế biển chủ lực: du lịch, hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới như dược liệu, y học, hóa học biển.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là phân bổ, quản lý hiệu quả không gian biển, giảm mâu thuẫn trong khai thác nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, khoa học - công nghệ và quốc phòng - an ninh. Trong đó, kinh tế biển thuần đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; GDP của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65-70%; thu nhập bình quân đầu người tại các địa phương ven biển cao hơn mặt bằng chung.
Về môi trường, tối thiểu 6% diện tích vùng biển được bảo tồn; rừng ngập mặn được phục hồi và ô nhiễm, đặc biệt là rác thải nhựa được kiểm soát chặt chẽ.
Tầm nhìn đến năm 2050 hình thành không gian biển được quản lý hiệu quả, khai thác bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, quốc phòng, đối ngoại, bảo vệ môi trường và phát triển các ngành kinh tế biển hiện đại, thân thiện với hệ sinh thái.
Do đó, các khâu đột phá bao gồm phát triển năng lượng tái tạo (ưu tiên điện gió ngoài khơi), hệ thống hạ tầng ven biển - đảo, logistics, du lịch biển xanh và kinh tế thủy sản tuần hoàn.
Là một trong năm ngành kinh tế biển chủ lực, thủy sản không chỉ đóng góp lớn về mặt kinh tế mà còn là trụ đỡ sinh kế cho hàng triệu người dân ven biển. Tuy nhiên, ngành này đang chịu áp lực lớn từ suy giảm nguồn lợi, biến đổi khí hậu và yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, việc thực hiện hiệu quả Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, sẽ là chìa khóa để tái cấu trúc ngành theo hướng xanh, bền vững, có trách nhiệm và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là động lực để Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị biển toàn cầu, đúng như tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW. Đặc biệt, trong bối cảnh tái cấu trúc không gian phát triển theo Nghị quyết 18-NQ/TW, đại diện lãnh đạo các địa phương ven biển hiện nay cũng thống nhất cần chủ động đề xuất cơ chế đặc thù, thúc đẩy liên kết vùng và thu hút đầu tư bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương mình.