Thiết lập cơ sở dữ liệu chuyên gia trí tuệ nhân tạo - AI quốc gia là một nhiệm vụ trong “Kế hoạch thu hút 100 chuyên gia giỏi tham gia các chương trình phát triển AI trọng điểm cấp quốc gia” mới được Bộ KH&CN ban hành. Nhiệm vụ này được giao cho Cục Chuyển đổi số quốc gia chủ trì, phối hợp cùng những chuyên gia, doanh nghiệp có liên quan và các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN triển khai.

Ngay từ tháng 6/2020, khi phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam đã nhận thức rõ một trong các nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa tạo nền móng cho chuyển đổi số đất nước chính là: Lựa chọn ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như AI, chuỗi khối - Blockchain và thực tế ảo/thực tế tăng cường - VR/AR; đồng thời, ưu đãi và hỗ trợ mạnh các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như khuyến khích những doanh nghiệp lớn đi đầu trong ứng dụng AI, Blockchain, VR/AR vào hoạt động sản xuất, thương mại.

Tại Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Chính trị cũng đã xác định rõ 1 trong 5 quan điểm chỉ đạo là: “Phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược...”, và đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam vào nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển AI, là trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế.

Việc Bộ KH&CN vừa ban hành “Kế hoạch thu hút 100 chuyên gia giỏi tham gia các chương trình phát triển AI trọng điểm cấp quốc gia” là một hoạt động nhằm hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết 57 và triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ ở Nghị quyết 71 ngày 1/4/2025 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57.

W-chuyen gia AI.JPG.jpg
Các chuyên gia chia sẻ về giải pháp khai phá sức mạnh AI để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội đất nước tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2025 hồi cuối tháng 5/2025.

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ KH&CN), “Kế hoạch thu hút 100 chuyên gia giỏi tham gia các chương trình phát triển AI trọng điểm cấp quốc gia” hướng tới mục tiêu huy động và phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia giỏi trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy sự phát triển đột phá về AI tại Việt Nam.

Thông qua các chương trình trọng điểm quốc gia về AI, xây dựng nền tảng vững chắc để AI trở thành động lực chiến lược cho tăng trưởng kinh tế, hiện đại hóa quản trị, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, tạo lập hệ sinh thái AI toàn diện, tự chủ và nhân văn, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh việc thiết lập cơ sở dữ liệu chuyên gia AI quốc gia, trong kế hoạch mới ban hành, Bộ KH&CN cũng đã nêu rõ 14 nhiệm vụ khác sẽ được tập trung trong thời gian tới, bao gồm: Tham vấn xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Công nghiệp công nghệ số (nội dung liên quan đến AI); Tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và khung pháp lý liên quan đến AI; Đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu, thực hiện xây dựng nền tảng dữ liệu sinh học quốc gia tích hợp AI phục vụ nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sản phẩm công nghệ sinh học tại Việt Nam; Đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu, thực hiện xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức; Tư vấn thiết kế, phát triển và triển khai các nền tảng, hệ thống AI trọng điểm; Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho những người làm công tác đào tạo, giảng dạy về AI, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư AI...

Với từng nhiệm vụ, Bộ KH&CN cũng phân công cụ thể các đơn vị chủ trì, phối hợp cùng thời hạn hoàn thành và kết quả dự kiến cần đạt.

Đơn cử như, nhiệm vụ “Đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu, thực hiện xây dựng nền tảng dữ liệu sinh học quốc gia tích hợp AI phục vụ nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sản phẩm công nghệ sinh học tại Việt Nam” được giao cho Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ chủ trì thực hiện từ nay đến tháng 12/2026; đơn vị phối hợp là những chuyên gia giỏi, doanh nghiệp có liên quan cùng các cơ quan liên quan thuộc Bộ.

“Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho những người làm công tác đào tạo, giảng dạy về AI, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư AI” là nhiệm vụ thường xuyên được giao cho Cục Chuyển đổi số quốc gia chủ trì, phối hợp cùng các chuyên gia giỏi, doanh nghiệp có liên quan và những đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN thực hiện.

W-chuyen gia AI 01.jpg
“Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho những người làm công tác đào tạo, giảng dạy về AI, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư AI” là 1 trong 15 nhiệm vụ của kế hoạch thu hút 100 chuyên gia giỏi tham gia các chương trình phát triển AI trọng điểm cấp quốc gia mới.

Trước đó, tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2025, ông Hồ Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia cho hay, Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030 đang được khẩn trương hoàn thiện. Đây không chỉ là văn bản chính sách, mà là lộ trình hành động cụ thể để Việt Nam không chỉ theo kịp mà còn dẫn đầu trong lĩnh vực AI, biến AI thành động lực thực sự cho sự phát triển thịnh vượng của hệ sinh thái số quốc gia.

Nhận định “AI không phải câu chuyện của tương lai xa, mà là công cụ của hiện tại”, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng thông tin về đề xuất của Bộ KH&CN với 4 trụ cột chính sẽ được tập trung để thúc đẩy phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam gồm phát triển hạ tầng AI, phổ cập AI toàn dân và toàn diện, phát triển nguồn lực AI, xây dựng hệ sinh thái AI.

“Tầm nhìn của chúng ta đến năm 2030 là Việt Nam trở thành một điểm sáng về đổi mới sáng tạo AI trong khu vực, nơi công nghệ AI thấm sâu vào từng ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo ra những ngành công nghiệp mới có giá trị cao và đóng góp quan trọng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước”, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh.