LTS: 50 năm sau chiến thắng lịch sử, đất nước lại bước vào một kỷ nguyên mới - xây dựng một tương lai huy hoàng, rạng rỡ cho dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.

Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

VietNamNet cũng mời độc giả gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân còn lại trong quãng thời gian lịch sử của đất nước. 

18 tuổi nhập ngũ, 2 năm sau, chàng trai trẻ Lưu Trọng Lư là một trong số các chiến sĩ của Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 tham gia vào trận đánh mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên - chiến thắng Buôn Mê Thuột, tạo bước ngoặt quan trọng cho đại thắng mùa Xuân năm 1975. 

Sau chiến thắng tại Buôn Mê Thuột, Trung đoàn 148 được giao nhiệm vụ ngăn chặn Sư đoàn 25 Bộ binh của Quân lực Việt Nam cộng hòa tiến về phía Tây Bắc Sài Gòn. Sư đoàn 25 vốn được đặt biệt danh là “sư đoàn tia chớp nhiệt đới” do Chuẩn tướng Lý Tòng Bá cầm đầu.

Trận đánh cam go, ác liệt diễn ra từ ngày 26/4 đến trưa 30/4. Chỉ đến khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tiếng súng mới tắt ở khu vực Tây Ninh - nơi Trung đoàn 148 của Thiếu tướng Lư được giao nhiệm vụ giữ chân và làm tan rã quân địch.

Nhớ lại những ngày tháng 4 cách đây đúng 50 năm, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư không khỏi bồi hồi. 

“Gần trưa 30/4, trận đánh mới kết thúc. Chỉ khi ông Dương Văn Minh lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá mới kêu gọi Sư đoàn 25 buông súng”.

Hình ảnh Trung đoàn 148 bắc loa yêu cầu Sư đoàn 25 đầu hàng, Chuẩn tướng Lý Tòng Bá bị bắt… là những khoảnh khắc mà người chiến sĩ 20 tuổi lúc ấy không thể nào quên.

W-luu trong lu.jpg
Thiếu tướng Lưu Trọng Lư từng là chiến sĩ Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 - đơn vị được giao nhiệm vụ ngăn chặn quân địch ở Tây Ninh tiến vào Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975. Ảnh: Nguyễn Thảo

Vỡ òa niềm vui nhưng không quên nhiệm vụ

Thiếu tướng Lưu Trọng Lư còn nhớ, trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, mỗi chiến sĩ trong Trung đoàn 148 được yêu cầu tự viết khẩu hiệu “thần tốc, chiến thắng” lên chiếc mũ cối, ai có quân phục mới đều mang ra mặc. 

“Chúng tôi biết là cam go đang ở phía trước nhưng ai nấy đều thấy hãnh diện, tự hào khi được tham gia chiến dịch mang tên Bác. Chúng tôi cảm thấy ngày hòa bình đang ở rất gần. Đi đến đâu hào khí dâng lên đến đó”, ông tự hào kể.

Sau những trận đánh ác liệt để giữ chốt chặn, ngăn địch tiến quân vào Sài Gòn, trưa 30/4, khi nghe chính trị viên thông báo chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc, đất nước thống nhất 2 miền, ông và đồng đội vỡ òa trong niềm vui sướng. Người cười, người khóc, người hát vang… đó là khoảnh khắc ông không bao giờ quên được.

“Nhiều đồng chí vui quá, vứt cuốc, xẻng xuống đất để ăn mừng. Nhưng đồng chí chính trị viên quay lại nói không được, phải nhặt cuốc, xẻng lên. ‘Chúng ta vui mừng với chiến thắng nhưng không quên nhiệm vụ, không được lơ là mất cảnh giác’”.

Những hi sinh cận kề giây phút chiến thắng

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư nói rằng, điều khiến ông day dứt nhiều nhất là những người đồng đội đã ngã xuống.

“Có những anh em hi sinh trước giờ chiến thắng chỉ 1-2 tiếng đồng hồ. Họ không chờ đợi được đến giây phút lịch sử… 

Tôi nhớ nhất anh Nguyễn Văn Sơn ở phân đội trinh sát. Anh Sơn được giao nhiệm vụ trực tiếp đưa bộ binh vào, đồng thời tham gia chiến đấu tại khu vực Cầu Bông. Mục tiêu là giải tỏa quân địch ở khu vực này, khiến quân địch hết sức kháng cự, không còn đường để cơ động nữa. 

Là trinh sát, anh Sơn phải đi đầu, là người gần nhất và chiến đấu trực diện nhất với quân địch phía bên kia Cầu Bông. Một quả lựu đạn từ chiếc súng cối M79 - vốn được đánh giá là loại vũ khí có sức hủy diệt kinh hoàng - đã bắn về phía ta, khiến 5 chiến sĩ thương vong, trong đó Sơn và một đồng chí nữa tử vong. Ba người còn lại - người mất cánh tay, người bị thương ở chân và đùi”.

Ông Lư và các đồng đội đã đưa các chiến sĩ bị thương ra hậu cứ của trung đoàn để cấp cứu. “Đồng chí Sơn do vết thương quá nặng, không thể qua khỏi”.

“Lúc đó là hơn 10h sáng. Chỉ còn hơn 1 tiếng nữa, chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. Nhưng anh Sơn đã không đợi được… 

Chúng tôi vô cùng tiếc nuối cho những người đồng đội của mình. Có người mang được thi thể về, có người vẫn còn đang nằm rải rác trong những cánh rừng cao su ở Đông Nam Bộ.

Chúng tôi tin rằng, hi sinh đó của các anh thật vĩ đại và xứng đáng với những ngày hòa bình sau này” - Thiếu tướng Lưu Trọng Lư bùi ngùi.

Ông kể, do cùng đơn vị nên có lần ông đã nghe chiến sĩ Sơn tâm sự chuyện gia đình. Anh Sơn quê ở Khoái Châu, Hưng Yên, khi đó là tiểu đội trưởng. Trước khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến sĩ trẻ có thời gian lên Lai Châu tiếp nhận tân binh trong khoảng 1 tuần. 

“Một tuần đó, anh Sơn quen một cô gái làm ở xưởng in Lai Châu. Hai người nhanh chóng nên vợ nên chồng. Sau đó, anh Sơn vội vã vào chiến trường phía Nam, để lại cô gái ở lại đất Lai Châu, hẹn ngày chiến thắng trở về. Ước nguyện sắp thành thì anh Sơn hi sinh”.

13 năm sau ngày thống nhất đất nước, ông Lư được điều về công tác ở Ban chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu. Trong một lần tình cờ, ông hỏi thăm về người vợ của đồng đội mình thì được biết người phụ nữ vẫn ở đó và chưa lập gia đình mới.

Nói đến đây, Thiếu tướng Lư nghẹn lại. “Các đồng chí đã vì đất nước mà hi sinh không chỉ tính mạng của mình, mà còn hi sinh cả hạnh phúc, cả tình yêu để chúng tôi, những người còn lại, được sống, để đất nước có ngày độc lập, tự do như ngày hôm nay. Đó là điều mà tôi day dứt nhất khi nghĩ về những ngày tháng ở chiến trường”.

“Trưa 30/4, khi nghe tin quân ta cắm cờ Tổ quốc trên dinh Độc Lập, anh em chúng tôi đã ôm nhau mà khóc, vui mừng khôn xiết. Nhưng cũng trong niềm vui ấy, chúng tôi nghĩ về những người đồng đội của mình, những người đã hi sinh cận kề ngày chiến thắng. Thương lắm!” - cựu chiến binh Lê Đức Luận, chiến sĩ đơn vị Pháo binh, Quân khu 5, đơn vị được điều động vận chuyển 10 xe đạn từ Nha Trang vào Sài Gòn để tiếp ứng cho chiến dịch Hồ Chí Minh, chia sẻ.