Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã nghiên cứu sinh sản thành công cá cam. Đây là loài cá được ưa chuộng tại Nhật Bản, có giá thương phẩm khoảng 1 triệu đồng/kg.
Được biết, cá cam được nuôi khá phổ biến ở các nước như Chile, Mexico, đặc biệt tại Nhật Bản, cá cam là loài cá nuôi biển chủ lực, chiếm hơn 50% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trên biển.
Ở Việt Nam, cá cam là loài bản địa, đã tiến hành nuôi thử nghiệm lần đầu vào năm 1991 tại khu vực bãi Nam (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) bằng nguồn giống khai thác từ tự nhiên. Tuy nhiên, do nguồn giống phụ thuộc vào tự nhiên nên ngày càng cạn kiệt, dẫn đến mô hình không ổn định.

Bước đầu nghiên cứu sản xuất giống cá cam cho thấy, cá cam bắt đầu tiếp nhận và sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tự nhiên từ ngày ương thứ 18, mở ra cơ hội lớn cho việc thành công trong sản xuất giống cá cam hiện nay vì khâu chuyển tiếp thức ăn được cho là một khâu kỹ thuật then chốt. Với nghiên cứu này, Việt Nam trở thành nước đầu tiên nhân giống thành công cá cam.
Trước đó, do nguồn cá giống ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào con giống tự nhiên, các nước như Nhật Bản và Trung Quốc đã và đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất giống nhân tạo cá cam nhưng chưa thành công. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do điều kiện khí hậu lạnh ảnh hưởng đến tỉ lệ trứng thụ tinh, sự phát triển của phôi, ấu trùng và do nguồn thức ăn cho giai đoạn ấu trùng cá không phù hợp dẫn tới tỉ lệ sống giai đoạn cá con quá thấp.
Cá cam hay còn được gọi là cá cam sọc, có tên khoa học là Seriola dumerili. Cá cam được xác định là loài nuôi biển cao cấp, có tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể đạt 3kg trong vòng 18 tháng nuôi. Cá cam phân bố rộng trong tự nhiên ở nhiều vùng biển nước ấm trên thế giới, phù hợp với nuôi lồng xa bờ, điều này phần nào giảm áp lực cho nuôi biển ven bờ trong tương lai.